Ông Musk quay lại ?
Giới truyền thông sáng qua đồng loạt đưa tin tỉ phú Elon Musk thông báo đã thành lập “đảng Mỹ”. Đây là ý tưởng được ông hé lộ nhiều lần trong một tháng qua, kể từ sau khi rời chính quyền của Tổng thống Donald Trump. “Bạn muốn có một đảng chính trị mới và bạn sẽ có được nó. Hôm nay, đảng Mỹ đã được thành lập để trả lại tự do cho các bạn”, ông Musk thông báo trên mạng xã hội X ngày 5.7.

Từ chỗ là đồng minh, ông Musk (trái) hiện quay sang đối đầu với Tổng thống Trump
ẢNH: REUTERS
Động thái trên được đưa ra sau khi Tổng thống Trump ký “Đạo luật to đẹp” cắt giảm thuế và chi tiêu sâu rộng. Theo AFP, ông Musk đã chỉ trích mạnh mẽ đạo luật trên, đồng thời cho biết ông muốn xây dựng một đảng bảo thủ về tài chính, kiểm soát chi tiêu, song không đưa ra nhiều chi tiết khác về hướng đi của đảng. Tuyên bố lập đảng Mỹ cũng đi ngược lại với thông điệp của ông Musk hồi tháng 5, rằng sẽ giảm chi tiêu cho chính trị và tập trung vào công việc kinh doanh.
Hiện đảng Mỹ do ông Musk thành lập chỉ mới dừng ở những thông báo, chưa có các thủ tục hành chính cụ thể. Giới quan sát nhận định đảng Dân chủ sẽ tiếp tục chương trình nghị sự của mình và theo dõi diễn biến tiếp theo về những chia rẽ giữa ông Musk và đảng Cộng hòa. Trong khi đó, nội bộ đảng Cộng hòa có những phản ứng trái chiều với thông tin lập đảng Mỹ. Về phía chính phủ Mỹ, dù chưa có phản hồi về tuyên bố ngày 5.7 của tỉ phú Musk, Phó chánh văn phòng Nhà Trắng Stephen Miller hôm 1.7 đã có bài đăng trên X rằng việc tin rằng có một lượng cử tri lớn ủng hộ đảng phái theo hệ tư tưởng tự do ý chí là “sự ảo tưởng và gần như bằng không”.
Ẩn số từ đảng Mỹ
Những thách thức về mặt pháp lý hay ảnh hưởng chính trị của đảng Mỹ được cho là không nhỏ. Ông Musk tuyên bố muốn nhắm đến đợt bầu cử giữa kỳ năm sau, với mục tiêu có khoảng 2 – 3 ghế tại Thượng viện và 8 – 10 ghế tại Hạ viện là thành viên đảng Mỹ, qua đó nắm lá phiếu quyết định đối với các dự luật quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống bầu cử theo hướng “được ăn cả, ngã về không” tại Mỹ khiến dù nước này thực tế đang có nhiều đảng chính trị, song nghị sĩ quốc hội hầu hết là thành viên từ đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa.
Ngoài ra, xây dựng một đảng từ con số 0 là sứ mệnh yêu cầu rất nhiều công sức và nguồn lực, và là trở ngại lớn ngay cả với vị tỉ phú giàu nhất thế giới. The Washington Post dẫn lời ông Hans Noel, giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Georgetown (Mỹ), cho rằng ông Musk cần tập hợp được các đồng minh chính trị đủ tâm huyết để vận động cho đảng dù có thể lường trước được những thất bại ban đầu.
Dù vậy, động thái thành lập đảng của người giàu nhất thế giới cũng ít nhiều khiến một số thành viên đảng Cộng hòa lo ngại cho cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026. Ông Musk là người chỉ trích gay gắt những nghị sĩ Cộng hòa đã ủng hộ “Đạo luật to đẹp“. Đầu tuần trước, ông cũng nêu rằng sẽ ủng hộ những người đối đầu với phe Cộng hòa. Trong khi có những nghị sĩ đảng Cộng hòa ngó lơ những lời đe dọa từ ông Elon Musk, The Hill hôm qua 6.7 đưa tin số khác cho rằng điều này sẽ tạo thêm những trở ngại không cần thiết cho các chiến dịch vận động.
Đạo luật làm nóng cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ
Theo Politico ngày 6.7, “Đạo luật to đẹp” vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật được xem là chiến thắng lớn cho đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, những quy định về cắt giảm an sinh xã hội và phúc lợi, cũng như giảm thuế có phần tranh cãi, có thể biến đạo luật trở thành trung tâm của các cuộc đối đầu chính trị ở kỳ bầu cử giữa kỳ năm 2026, xa hơn là bầu cử tổng thống Mỹ năm 2028.
Luật mới cũng yêu cầu các tiểu bang đóng góp vào chi phí hỗ trợ lương thực. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý cử tri và giới chức tiểu bang, và làm dao động sự lựa chọn trên lá phiếu khi đi bầu quốc hội Mỹ vào năm sau. Politico cho hay các cuộc bầu cử giữa kỳ thường là nỗi lo với đảng của tổng thống đương nhiệm, khi có thể mất thế đa số ở một hoặc cả hai viện quốc hội vào tay đảng lớn còn lại.