Tháng tri ân, tháng nghĩa tình

Tháng tri ân, tháng nghĩa tình

bởi

trong

Những ngày này, cả nước tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7. Hàng triệu trái tim hướng về những địa chỉ đỏ với nhiều việc làm ý nghĩa: viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp nén tâm hương, đặt nhành hoa tươi, thắp thêm ngọn nến trên mộ phần liệt sĩ để tỏ lòng thành kính, tri ân thế hệ cha anh đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân, hy sinh máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, gìn giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc; thăm hỏi, tặng quà người có công, thân nhân liệt sỹ tại các địa phương và trung tâm điều dưỡng người có công…   

Lịch sử đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do đã để lại cho đất nước biết bao tấm gương anh hùng, liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Tưởng nhớ, tri ân những người đã hy sinh vì nước, vì dân là việc làm thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là tình cảm cao đẹp, thiêng liêng của người Việt Nam. Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, giữa bao bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt tới các thương binh, liệt sĩ.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.

Người chỉ thị chọn ngày 27/7 hàng năm làm ngày Thương binh – Liệt sĩ để “đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, tỏ ý yêu mến thương binh”!

Người từng căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình… Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ ở mỗi địa phương, cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sĩ mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Tháng tri ân, tháng nghĩa tình

Tổng Bí thư Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú tri ân các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu, ngày 24/7 (Ảnh: Thành Đông).

Thực hiện tâm nguyện của Bác, 78 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa. Các chủ trương, chính sách, pháp lệnh ưu đãi đã phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”; cụ thể hóa chính sách đối với người có công; đối tượng hưởng ưu đãi không ngừng được mở rộng; các chế độ cũng từng bước được hoàn thiện, tạo điều kiện cho thân nhân liệt sĩ, con cái của thương binh, bệnh binh được tiếp cận các chính sách ưu tiên về học tập, việc làm, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 

Những lời thăm hỏi ân cần, những món quà của thế hệ hôm nay đã trở thành nguồn động viên to lớn đối với thân nhân các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng. Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và của cộng đồng, hầu hết gia đình chính sách, người có công đều có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.

Trong những ngày tháng 7 này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết nhấn mạnh truyền thống cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” đã trở thành sợi dây thiêng liêng kết nối các thế hệ người Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để toàn dân tộc đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước. Sáng 24/7, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự Hội nghị gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử tiêu biểu, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2025).

Sự hiện diện của hơn 250 đại biểu đại diện cho 9,2 triệu người có công trên cả nước tại Hội nghị là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và đức hy sinh. Trong đó có cán bộ lão thành 101 tuổi, thương binh trẻ nhất 32 tuổi, các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, nạn nhân chất độc hóa học, đồng bào dân tộc thiểu số… Họ không chỉ là nhân chứng của lịch sử, mà còn là tấm gương sáng trong cuộc sống hôm nay.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn khắc ghi công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có 1,2 triệu liệt sỹ, hơn 139.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, gần 800.000 thương binh, bệnh binh… Họ là linh hồn bất tử của dân tộc, là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ, hơn 4.000 công trình ghi công các liệt sỹ được xây dựng trong cả nước là những ngọn đuốc luôn thắp sáng chiến công và tưởng nhớ các anh hùng đã ngã xuống; hơn 100 triệu con tim người Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau luôn là nguồn tình cảm dạt dào, thấm đẫm đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” dành cho những người có công với nước.

65 cơ sở chăm sóc, điều dưỡng người có công, trong đó có 30 trung tâm chăm sóc, điều dưỡng thương binh, bệnh binh nặng… hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng, mức sống của gia đình người có công luôn bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú là những biểu hiện sống động, thiết thực về tinh thần trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với người có công cách mạng. 

Tháng tri ân, tháng nghĩa tình - 2

Đoàn viên báo Dân trí viếng thăm, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Vĩnh Linh (Ảnh: Thành Đông).

Đền ơn đáp nghĩa đã, đang và mãi mãi là lương tâm, trách nhiệm của cả cộng đồng, khi các đoàn thể xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã chung tay cùng nhà nước, tổ chức thành phong trào sâu rộng. Mỗi nơi một cách làm, nhưng đều chung mục đích góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát cho người ở lại. Hàng trăm nghìn ngôi nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao tặng, giúp các thương binh, gia đình liệt sĩ bớt đi nhọc nhằn trong cuộc sống. Những mô hình nhận đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh nặng; làm con nuôi bố mẹ liệt sĩ già yếu neo đơn, chăm sóc nghĩa trang, thắp nến tri ân, tổ chức các chương trình nghệ thuật kỷ niệm… được nhân rộng, trở thành nghĩa cử cao đẹp của thế hệ hôm nay để tri ân những hy sinh, mất mát lớn lao của những người đi trước. 

Không chỉ tháng 7, những nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm xây dựng từ Bắc chí Nam, luôn đón nhận những người con hy sinh trên khắp mọi miền đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế trở về quê mẹ. Hoạt động quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ chưa bao giờ ngừng nghỉ, nhất là khi có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ. Bởi, mỗi một phần mộ liệt sĩ được gắn tên là thêm một thân nhân, một gia đình được xoa dịu nỗi đau.

Những đóa hoa tươi, nén hương trầm thơm ngát, ánh sáng lung linh từ các nghĩa trang trong đêm thắp nến tri ân đang nhân lên ý nghĩa thiêng liêng của tháng 7 – tháng tri ân, tháng của đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Để những người được sống trong hòa bình, hạnh phúc hôm nay thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh to lớn của lớp lớp cha anh đi trước đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; để “Đền ơn đáp nghĩa” luôn là truyền thống, là đạo lý, là nghĩa tình của dân tộc Việt Nam.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, từng công tác tại một số cơ quan báo chí Trung ương.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!