
Tỉ phú Musk phát biểu tại sự kiện do America PAC tổ chức ở bang Pennsylvania tháng 10-2024 – Ảnh: Reuters
Ngày 5-7 vừa qua, tỉ phú công nghệ Elon Musk đã chính thức tuyên bố thành lập Đảng Nước Mỹ (America Party), tạo nên làn sóng tranh luận sôi nổi trong giới quan sát chính trị.
Sự kiện này không chỉ đánh dấu sự kết thúc của mối quan hệ từng thân thiết giữa vị tỉ phú công nghệ và Tổng thống Trump, mà còn mở ra một cuộc chơi chính trị đầy rủi ro.
Với tài sản hơn 350 tỉ USD, liệu ông Musk có đủ sức mạnh để tạo nên ảnh hưởng đáng kể so với hai đảng chính lớn nhất tại Mỹ là Dân chủ và Cộng hòa?
Căng thẳng leo thang
Mối quan hệ giữa ông Trump và ông Musk trở nên không thể hàn gắn khi Quốc hội Mỹ thông qua “Đạo luật Lớn và Đẹp” trị giá hơn 4.500 tỉ USD – dự luật chi tiêu lớn nhất kể từ đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump.
Ông chủ của Công ty Tesla đã chỉ trích gay gắt, gọi đạo luật này là “điên rồ” và “tàn phá tài khóa”.
Đặc biệt, việc cắt giảm ưu đãi cho xe điện trong dự luật đã tác động trực tiếp đến lợi ích của Tesla, khiến ông Musk phản ứng quyết liệt. Ông thậm chí đe dọa thành lập đảng mới nếu dự luật được thông qua – và không ai nghĩ ông sẽ thực hiện lời đe dọa này.
Khi công bố thành lập đảng mới, ông khẳng định đảng này ra đời là để “trao lại tự do cho người dân” và coi đây là “ngày độc lập thật sự”.
Trước đó, theo đài NHK, ngày 4-7 ông Musk đã tổ chức một cuộc khảo sát trên nền tảng mạng xã hội X, trùng với thời điểm Tổng thống Donald Trump ký ban hành “Đạo luật Lớn và Đẹp”.
Trong bài đăng của mình, ông Musk đặt câu hỏi: “Chúng ta có nên thành lập Đảng Nước Mỹ không?”, và gọi đây là dịp thích hợp để người dân cân nhắc về việc tách khỏi hệ thống hai đảng hiện hành.
Cuộc khảo sát nhanh chóng thu hút hơn 1,24 triệu lượt tham gia và khoảng 65% số người trả lời đồng ý với ý tưởng thành lập một đảng mới.
Thách thức từ pháp lý
Dù lời lẽ quyết liệt, con đường biến Đảng Nước Mỹ thành một lực lượng chính trị sẽ vẫn là một lộ trình đầy gian nan với ông Musk. Đây cũng là lý do mà trong suốt gần hai thế kỷ qua, chưa có đảng thứ ba nào phá vỡ được ưu thế thống lĩnh của hệ thống hai đảng tại Mỹ.
Theo CBS News, để được công nhận, một đảng chính trị phải vượt qua hàng loạt rào cản pháp lý khác nhau ở 50 bang.
Tại California – bang đông dân nhất – một đảng mới phải đăng ký ít nhất 75.000 đảng viên hoặc thu thập 1,1 triệu chữ ký. Việc duy trì tư cách hợp pháp cũng yêu cầu giành được ít nhất 2% số phiếu trong các cuộc bầu cử toàn bang.
“Chỉ có người giàu nhất thế giới mới có thể nghiêm túc theo đuổi kế hoạch này. Ngay cả như vậy, đó cũng là dự án nhiều năm và tiêu tốn hàng trăm triệu USD”, chuyên gia luật bầu cử Brett Kappel nhận xét.
Các quy định về tài trợ chính trị cũng sẽ giới hạn khả năng chi tiền của ông Musk. Khi đảng được công nhận chính thức, ông chỉ được đóng góp tối đa 10.000 USD/năm cho đảng cấp bang hoặc 44.300 USD/năm cho đảng cấp quốc gia theo quy định của Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC).
Thách thức lớn nhất vẫn là thuyết phục cử tri. Người Mỹ vốn đã quen thuộc với sự lựa chọn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nên thường sẽ e dè trước các ứng viên độc lập thiếu nền tảng tổ chức truyền thống.
Lập trường khó phân loại của ông Musk – không hoàn toàn cánh hữu, cũng không phải tự do chủ nghĩa cổ điển – khiến việc xây dựng liên minh cử tri nhất quán trở nên khó khăn.
“Trở ngại lớn nhất là thuyết phục người dân bỏ phiếu cho ứng viên đảng thứ ba, vì họ thường nghĩ: “Bỏ phiếu cho người này là phí phạm, người này không có cơ hội thắng cử””, giáo sư khoa học chính trị Alan Abramowitz nói với đài CNN.
Dù giàu có và có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, tỉ phú Musk cần nhiều hơn sự bất mãn để thành lập thế lực chính trị mới.
Câu trả lời cho việc liệu ông có đủ kiên nhẫn và chiến lược để biến giấc mơ “đảng thứ ba” thành hiện thực, hay đây chỉ là phản ứng nhất thời trong cuộc đối đầu cá nhân với Tổng thống Trump, sẽ được làm rõ trong giai đoạn vận động cho kỳ bầu cử giữa kỳ 2026.
Lựa chọn thay thế
Nếu việc lập đảng mới quá khó, ông Musk vẫn có con đường khác: chi phối chính trị thông qua các super PAC (siêu ủy ban hành động chính trị), nơi ông có thể đổ tiền không giới hạn để hỗ trợ các ứng viên độc lập.
“Theo luật hiện hành, chi tiêu độc lập – dù là cá nhân hay thông qua super PAC – vẫn là cách hợp pháp và thực tế nhất để một người giàu có ảnh hưởng đến chính trị quốc gia”, luật sư Lee Goodman, cựu chủ tịch FEC, cho biết.
Việc đưa tên ứng viên độc lập lên lá phiếu cũng dễ dàng hơn so với việc thành lập đảng mới hoàn toàn.