Tuy nhiên, sự tái hiện ấy không hoàn hảo vì chính tác giả – người kể cũng không rành rõ mọi thứ. Và tên cuốn hồi ký Thành thật có thể xem như một hành động “thú tội” với quá khứ, một nỗ lực buông bỏ và thừa nhận sự bất toàn của mình.

18a1.jpg
Thành thật được Hua Hsu viết để tưởng nhớ Ken – người bạn Mỹ gốc Nhật đã thiệt mạng trong một vụ cướp ô tô, đan xen những trăn trở thế hệ, khát khao được khẳng định danh tính của người châu Á nhập cư tại xứ cờ hoa.
Tác giả Hua Hsu hiện là giáo sư tiếng Anh tại trường Bard College và là biên tập viên của The New Yorker. Các bài báo, tác phẩm của ông thường viết về văn hóa nhập cư tại Mỹ và chủ nghĩa đa văn hóa, trong đó có cuốn sách đầu tay A Floating Chinaman: Fantasy and Failure Across the Pacific (tạm dịch: Người Trung Hoa trôi nổi: Những ảo tưởng và thất bại bên kia Thái Bình Dương). Cuốn sách thứ hai của ông chính là Thành thật, tác phẩm nhận được Giải Pulitzer năm 2023 cho hạng mục Hồi ký/Tự truyện.
Đi tìm bản sắc trong xã hội Mỹ
Phần lớn nội dung sách cố gắng tái hiện bức tranh văn hóa đại chúng Mỹ thông qua âm nhạc, phim ảnh, thời trang thập niên 1990, dưới con mắt của một người trẻ gốc Á. “Tôi là một đứa trẻ Mỹ, tôi buồn chán và tôi đang tìm kiếm cộng đồng của mình”, Hua Hsu viết.
Tác giả mô tả quá trình “trở thành người Mỹ” cũng chính là tiếp nhận, hấp thụ các văn hóa phẩm nơi đây. Do muốn mình trở nên khác biệt, Hua Hsu tìm đến sự đa dạng của các nhóm tiểu văn hóa (subculture) như văn hóa punk nổi loạn. Ông say sưa kể về thú vui làm zine (một dạng ấn phẩm tự xuất bản, được phân phối trong cộng đồng nhỏ), về mối quan tâm đến những phong trào sinh viên, hay những chuyến đi đến cửa hàng băng đĩa Amoeba Records, có khi đơn giản là những lần đàn đúm với bạn bè thâu đêm suốt sáng.
Đối với thế hệ cha mẹ Hsu, “giấc mơ Mỹ” chỉ là tìm kế sinh nhai, trong khi với các thế hệ tiếp theo, đó là câu chuyện đồng hóa và khẳng định bản sắc cá nhân trong một xã hội đa sắc tộc. Dù đôi khi, quá trình đồng hóa sẽ khiến những đứa trẻ này mất kết nối với văn hóa quê nhà, như Hsu thú nhận mình cảm thấy “như kẻ ngoài cuộc” khi cùng cha mẹ ngồi ăn mì bò ở Đài Loan, trên những chiếc ghế đẩu liêu xiêu.
Ở bên kia bán cầu, bố Hsu cố gắng kết nối với con bằng cách viết thư gửi qua máy fax để được Hsu cập nhật về tin tức tại Mỹ. Những bức thư được viết bằng thứ tiếng Anh không quá sõi (tuy sẽ không truyền tải trọn vẹn khi được dịch sang tiếng Việt), qua đó hai bố con thảo luận những sự kiện xảy ra ở Mỹ như vụ ca sĩ Kurt Cobain tự vẫn ở tuổi 27, và bố Hsu luôn kết thúc bằng câu “Con nghĩ sao?”, hay “Con có đồng ý không?”.
Đọc những dòng tâm sự, độc giả có thể cảm nhận nỗ lực của người bố trong việc thấu hiểu con trai. Hình ảnh này mang đến một góc nhìn khác biệt so với hình dung phổ biến về các bậc phụ huynh châu Á, đồng thời phản ánh một thế hệ cha mẹ gốc Á cởi mở hơn, sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng con trên hành trình trưởng thành.
Đối mặt
Không chỉ tái hiện màu sắc văn hóa của một thời kỳ, Thành thật còn ghi lại cảm xúc về tình bạn với người đã khuất. Nếu Hsu sống theo lối “straight edge” – tránh xa ma túy, rượu chè và thuốc lá, thì anh bạn Ken là một phản đề với tính cách tự tin, sôi nổi và hứng thú với mọi thứ trên đời. Dù trái ngược nhau, họ vẫn làm bạn, dành nhiều đêm dài tụ tập, tranh luận về âm nhạc, phim ảnh.
Tác giả lý giải sự khác biệt này nằm ở những nguyên nhân sâu xa hơn: bố mẹ Hsu là những người Đài Loan đến Mỹ kiếm sống rồi trở về quê hương góp phần xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn đang non trẻ, còn gia đình Ken đã ở Mỹ nhiều thế hệ nên anh có được sự tự tin, thành thạo mà Hsu chưa thể có được.
Cái chết của Ken ập đến trong giai đoạn Hsu vẫn còn mù mờ về tương lai, còn mông lung về bản sắc con người mình. Đỉnh điểm câu chuyện không có một bước ngoặt kịch tính nào, cũng thiếu vắng những tiết lộ gây sốc như trong tiểu thuyết. Tai nạn xảy ra với Ken chỉ là một vụ cướp của giết người bình thường trong hàng nghìn sự kiện xảy ra hằng ngày trên khắp đất Mỹ.
Câu hỏi “Làm sao để viết về cái chết của người bạn thân?” là nỗi băn khoăn theo Hsu suốt quá trình sáng tác, dù nhiều năm đã trôi qua kể từ vụ việc. Hsu luôn mang trong mình cảm giác tội lỗi, không ngừng tua lại từng hành động của mình vào cái đêm định mệnh đó. Ông sợ mình sẽ vô tình lý tưởng hóa Ken hoặc biến câu chuyện thành một trải nghiệm quá tập trung vào bản thân, thay vì đưa ra lời kể chân thực về người đã khuất.
Đoạn cuối cuốn hồi ký, tác giả thừa nhận suốt quãng thời gian thân thiết, ông chưa bao giờ thực sự hiểu hết về Ken mà chỉ nhìn thấy một phần con người bạn mình. Ông tưởng tượng cuộc đời Ken sẽ tiếp diễn thế nào nếu anh vẫn còn sống, nhưng cũng không chắc liệu mối quan hệ của cả hai sẽ được duy trì sau khi tốt nghiệp đại học. Qua việc viết ra những khúc mắc trong lòng, tác giả đi đến chấp nhận hành trình của bạn mình đã dừng lại ở tuổi thanh xuân.
Không bi lụy hay tô hồng hiện thực, Thành thật là cuốn sách dành cho những ai muốn đi sâu vào đời sống tinh thần của một người Mỹ gốc Á với những mâu thuẫn, tiếc nuối và khát khao được kết nối trong một xã hội đa sắc tộc.
