Chiều 22.7, Thanh tra Chính phủ tổ chức cuộc họp triển khai thanh tra chuyên đề các dự án có khó khăn, vướng mắc.
Phạm vi cuộc thanh tra bao gồm các công trình, dự án có khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ, tồn đọng, kéo dài, hiệu quả thấp, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí.
Thời kỳ thanh tra từ khi triển khai công trình, dự án đến ngày 1.7.2025. Trường hợp cần thiết có thể xem xét nội dung liên quan đến trước hoặc sau thời kỳ thanh tra nêu trên.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu về thanh tra dự án “đắp chiếu” tại cuộc họp
ẢNH: BÁO THANH TRA
Mục đích cuộc thanh tra nhằm xác định nguyên nhân khó khăn, vướng mắc của các công trình, dự án; phát hiện hạn chế, bất cập của chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; xác định trách nhiệm và kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật (nếu có).
Kết quả thanh tra sẽ được báo cáo Thủ tướng, làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết, tránh thất thoát, lãng phí, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo phân cấp, Thanh tra Chính phủ trực tiếp tiến hành thanh tra các dự án của các bộ, ngành T.Ư và các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ, ngành quản lý, có tổng mức đầu tư trên 100 tỉ đồng; một số dự án lớn của các địa phương có tổng mức đầu tư trên 1.500 tỉ đồng.
Thanh tra Bộ Quốc phòng trực tiếp tiến hành thanh tra đối với các dự án thuộc thẩm quyền trong danh sách các dự án có khó khăn, vướng mắc.
Thanh tra các tỉnh, thành phố trực tiếp tiến hành thanh tra các dự án trên địa bàn có tổng mức đầu tư trên 30 tỉ đồng, ngoài các dự án Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Quốc phòng trực tiếp thanh tra.
Đối với các công trình, dự án nằm ngoài phạm vi thanh tra nêu trên, UBND các tỉnh, thành phố chủ động rà soát, phân loại và tiến hành thanh tra nếu phát hiện có vi phạm để làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Vẫn theo kế hoạch, các cơ quan ban hành kết luận thanh tra, báo cáo về Thanh tra Chính phủ, để Thanh tra Chính phủ tổng hợp kết quả báo cáo Thủ tướng trước ngày 1.10.2025.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ hoàn thành các thủ tục cần thiết để triển khai các đoàn thanh tra bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định pháp luật.
Ông Phong lưu ý một số nội dung cần thanh tra như: dấu hiệu sai phạm, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí trong việc chấp thuận chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư, thương thảo, ký hợp đồng; bố trí vốn, thanh quyết toán; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; xác định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất…
2.887 dự án thuộc diện khó khăn, vướng mắc
Tại cuộc họp sơ kết cách đây ít ngày, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề cập 2 cuộc thanh tra chuyên đề nằm trong nhiệm vụ cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2025.
Chuyên đề thứ nhất là về “các dự án có khó khăn, vướng mắc”, thứ hai là về “phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước”. Đây là các cuộc thanh tra thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư và Thủ tướng.
Với chuyên đề “phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước”, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch và đề cương hướng dẫn thanh tra.
Với chuyên đề “các dự án có khó khăn, vướng mắc”, ông Phong dẫn thống kê mới nhất cho thấy có 2.887 dự án thuộc diện khó khăn, vướng mắc; đồng thời cho biết Chính phủ sẽ họp với các địa phương về nội dung này.