‘Thanh tra mà thông báo trước, không vở sạch chữ đẹp mới lạ’

‘Thanh tra mà thông báo trước, không vở sạch chữ đẹp mới lạ’

bởi

trong

Chiều 8.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật Thanh tra (sửa đổi).

Thanh tra đột xuất thì mới hiệu quả

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), nói điểm mấu chốt của dự thảo luật là thay đổi hệ thống thanh tra, bỏ cấp sở, huyện, chỉ còn 2 cấp là Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh. Bà Lan ủng hộ quy định tại dự thảo, song cho rằng vẫn cần lưu tâm tới vai trò của cấp cơ sở.

‘Thanh tra mà thông báo trước, không vở sạch chữ đẹp mới lạ’

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại tổ

ẢNH: GIA HÂN

Hiện nay, thanh tra sở ngành, quận, huyện sẽ làm nhiều về chuyên môn, còn thanh tra hành chính thì “chủ yếu ở cấp trên”. Với việc bỏ các cơ quan thanh tra nêu trên, Thanh tra Chính phủ sẽ nhận nhiệm vụ của thanh tra các bộ, thanh tra tỉnh nhận nhiệm vụ của thanh tra các sở, huyện, với nhiều công việc rất đặc thù, áp lực công việc sẽ tăng.

Chưa kể, qua hàng chục năm công tác, bà Lan nhận thấy cấp cơ sở chính là nơi nắm rõ nhất, nhanh nhất nếu có vấn đề phát sinh, lực lượng tại chỗ là cực kỳ quan trọng. Tới đây, khi thanh tra chuyên ngành tập trung hết ở thành phố, cần có giải pháp để đáp ứng yêu cầu về tính kịp thời.

Nữ đại biểu cũng lưu ý việc phân định giữa thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Với thanh tra theo kế hoạch, cơ quan thanh tra sẽ lập kế hoạch thanh tra những đơn vị nào, rồi gửi thông báo đề nghị chuẩn bị phối hợp. “Thanh tra mà thông báo trước như vậy thì không vở sạch chữ đẹp mới là lạ, không hiệu quả”, bà nói.

Theo bà Lan, thanh tra đột xuất “mới thể hiện được nghề của thanh tra”. Tất nhiên, đột xuất không có nghĩa thấy ghét là tới thanh tra, mà vẫn phải trên cơ sở có nguồn tin và đúng quy định pháp luật. 

“Phải làm thế nào để tất cả đơn vị kinh doanh luôn lơ lửng trên đầu có thể bị thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào, phải sợ điều đó”, bà Lan nêu ý kiến.

Dẫn câu chuyện về lòng se điếu đang gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua, vị đại biểu TP.HCM phản ánh, sau khi báo chí đăng tải thông tin về việc kiểm tra, đoàn kiểm tra đi đến đâu chủ quán cũng thông báo “em hết lòng rồi”, như vậy “là rất khó”.

Phân định giữa thanh tra và kiểm tra chuyên ngành

Cùng cho ý kiến thảo luận, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk), cho biết hiện có 2 hoạt động thanh tra gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Với thanh tra chuyên ngành, sau khi kết thúc sẽ chuyển một phần sang cơ quan thanh tra, phần cơ bản còn lại chuyển thành kiểm tra chuyên ngành.

Tại dự thảo, hoạt động thanh tra được thống nhất thành một, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Do đó, ông Thành đề nghị cần phân định trách nhiệm, phạm vi giữa thanh tra với kiểm tra chuyên ngành. “Nếu không phân định được thì không rõ trách nhiệm”, ông nói.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) băn khoăn về sự phù hợp và tính khả thi khi dự thảo áp chung một trình tự, thủ tục cho cả 2 hoạt động thanh tra. Bởi hiện nay 2 hoạt động này được thực hiện theo trình tự, thủ tục khác nhau.

Đại biểu Lê Tấn Tới (đoàn Long An), cũng cho rằng nếu “ghép” 2 hoạt động thanh tra với nhau thì dự thảo luật cần có quy định về vấn đề thủ tục. Trường hợp quy định được trong luật thì quy định, nếu không phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết cho phù hợp.