Ngân hàng Nhà nước đã thông báo kết luận thanh tra đối với Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, mã chứng khoán: PGB) sau quá trình thanh tra theo Quyết định số 105/QĐ-CụcI.2. Kết luận thanh tra được ban hành ngày 27/6. Thông báo kết luận thanh tra được ký ngày 4/7.
Theo kết luận, về cơ bản, PGBank đã ban hành các chính sách, quy trình nội bộ về cấp tín dụng, cam kết ngoại bảng; phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; kiểm tra, giám sát vốn vay; bảo đảm tiền vay; xử lý nợ xấu, thu hồi nợ xử lý rủi ro…
Tuy nhiên, cơ quan thanh tra phát hiện PGBank vẫn còn hạn chế và khuyết điểm. Hoạt động của PGBank còn để xảy ra một số tồn tại trong công tác quản trị điều hành và quản lý rủi ro. HĐQT và Ban tổng giám đốc ngân hàng đã ban hành một số quy định nội bộ còn thiếu hoặc chưa kịp thời.
Hiệu quả của các chốt kiểm soát trong quy trình nghiệp vụ chưa cao, việc rà soát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến nợ xấu chưa đầy đủ, chưa làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.
Hoạt động kiểm toán nội bộ cũng có hạn chế, như chưa kịp thời phát hiện các vi phạm trong công tác cấp tín dụng, số lượng nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu và năng lực kiểm toán liên quan đến công nghệ thông tin còn yếu. Các phương pháp và công cụ nhận diện, đo lường rủi ro của ngân hàng được đánh giá là “còn giản đơn, đang trong quá trình nghiên cứu phát triển”.
Trong hoạt động cấp tín dụng, qua thanh tra chọn mẫu, cơ quan thanh tra phát hiện một số trường hợp thực hiện chưa đầy đủ quy định về điều kiện vay vốn, thẩm định, xét duyệt cho vay, kiểm tra giám sát vốn vay và tài sản đảm bảo.
Kết luận cũng cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn khi PGBank cấp tín dụng cho các khách hàng có tài sản bảo đảm là tín chấp, quyền đòi nợ, khoản phải thu… và một số khách hàng có cảnh báo rủi ro về tình hình tài chính, tiến độ dự án, nguồn thu trả nợ.

Thanh tra chỉ ra loạt tồn tại của PGBank về cấp tín dụng và xử lý nợ xấu (Ảnh: Tiến Tuấn).
Về xử lý nợ xấu, kết luận nêu năm 2023, PGBank chưa đạt 100% kế hoạch thu hồi nợ xấu đã xử lý rủi ro. Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu của ngân hàng đối với một số khách hàng còn một số tồn tại như cơ cấu thời hạn khoản vay chưa đầy đủ quy định pháp luật; chưa thực hiện việc kiểm tra, đánh giá lại tình hình tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng kịp thời để có hướng xử lý, thu hồi nợ.
Quá trình thanh tra tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua bán chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của cổ đông tại PGBank, cơ quan đã tổng hợp được một số nội dung liên quan đến việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ của PGBank và chuyển thông tin sang cơ quan chức năng để xem xét theo quy định.
Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định xử phạt PGBank vi phạm hành chính với tổng tiền 370 triệu đồng cho 3 hành vi, bao gồm không ban hành một số quy định nội bộ theo quy định của pháp luật; lập hợp đồng ủy thác không đầy đủ nội dung và không thành lập Hội đồng mua, bán nợ theo quy định.
PGBank được yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong quản trị, điều hành. Ngân hàng phải chỉ đạo các tập thể, cá nhân rà soát, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đồng thời tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm. Hội đồng quản trị và tổng giám đốc PGBank phải xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể để khắc phục toàn bộ các sai phạm đã nêu.
Cơ quan thanh tra cũng yêu cầu PGBank phải giao bộ phận đầu mối theo dõi, đôn đốc việc khắc phục; chỉ đạo thu hồi nợ và khắc phục hậu quả đối với các khoản vay có vấn đề; huy động tối đa mọi nguồn lực để xử lý nợ xấu theo quy định pháp luật.
PGBank có 16 cổ đông, gồm 3 tổ chức và còn lại là các cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong đó, 3 cổ đông tổ chức và cũng là 3 cổ đông lớn của PGBank (sở hữu từ 5% vốn ngân hàng) là Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát với hơn 56,87 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 11,37% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu hơn 56,11 triệu cổ phần, tương ứng 11,22% vốn; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh nắm hơn 55 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11% vốn.