Tháo gỡ rào cản cho cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Tháo gỡ rào cản cho cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

bởi

trong

Theo Nghị định 117/2025/NĐ-CP quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ, cá nhân kinh doanh, từ đầu tháng 7, tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử (TMĐT) sẽ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay số thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập cá nhân (TNCN) phải nộp đối với mỗi giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ phát sinh doanh thu ở trong nước của hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT.

Có thể nói quy định mới này khiến nhiều người kinh doanh thở phào vì được hỗ trợ nộp thuế. Tuy nhiên, điều kiện là sàn TMĐT cần có chức năng thanh toán, nếu không hộ, cá nhân sẽ phải tự kê khai và nộp thuế như bình thường.

Hộ, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin mã số thuế (nay được thay bằng số định danh cá nhân), các thông tin bắt buộc về người bán cùng hồ sơ ủy nhiệm xuất hóa đơn điện tử cho sàn TMĐT để tổ chức này xuất hóa đơn, kê khai, khấu trừ thuế.

Tháo gỡ rào cản cho cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử

Ứng dụng các sàn thương mại điện tử phổ biến ở Việt Nam (Ảnh: Tiến Tuấn).

Tỷ lệ thuế GTGT từ 1% với hàng hóa đến 5% (tương ứng thuế TNCN từ 0,5% đến 5%) cho dịch vụ tính trên doanh thu. Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh sau này có mức doanh thu năm của toàn bộ hoạt động kinh doanh thuộc trường hợp không chịu thuế (hiện nay là mức 100 triệu đồng) thì thực hiện thủ tục hoàn thuế theo quy định.

Theo tôi, Nghị định 117 đã thực sự “cởi trói” và “mở rào” để các hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Theo đó, họ chỉ cần chuyên tâm vào hoạt động kinh doanh, thúc đẩy doanh thu còn các câu chuyện về hóa đơn và thuế sẽ có sàn TMĐT lo liệu.

Tất nhiên, giai đoạn đầu có thể có một số vướng mắc trong việc đăng ký, cung cấp thông tin, hồ sơ của hộ, cá nhân và cũng như trong việc xác minh thông tin và kê khai, nộp hộ thuế của các sàn TMĐT nhưng tôi tin rằng trong thời gian tới, mọi việc sẽ dần đi vào quỹ đạo ổn định.

Nghị định 117 cũng đề cập việc nhà quản lý nền tảng số có chức năng thanh toán cũng thuộc đối tượng kê khai và nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh. Nhà quản lý ở đây thiết lập để người mua thanh toán trực tiếp thông qua các phương tiện thanh toán như ví điện tử, thẻ ngân hàng hoặc thanh toán, chuyển khoản qua tài khoản thanh toán, hệ thống chuyển khoản tích hợp, thanh toán tiền mặt khi nhận hàng v.v…

Hiện chưa thực sự rõ các đơn vị này sẽ triển khai nền tảng để kê khai và nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh như thế nào. Tuy vậy, người viết đánh giá, nếu các đơn vị này xây dựng được một nền tảng thanh toán phù hợp thì chắc chắn các hộ, cá nhân kinh doanh sẽ sẵn sàng trả thêm phí để có thể vừa kết hợp thu tiền, lại vừa được các nền tảng số hỗ trợ xuất hóa đơn, kê khai, nộp thuế theo quy định. Như vậy thì có thêm giải pháp để giảm gánh nặng xuất hóa đơn cho các hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế như một số hộ kinh doanh đang gặp phải hiện nay.

Thêm chính sách hỗ trợ thuế

Trong một diễn biến có liên quan, Nghị định 174/2025/NĐ-CP vừa được ban hành hướng dẫn giảm thuế GTGT cho đa số mặt hàng từ 10% xuống còn 8%.

So với việc giảm thuế tại các nghị định trước đây như Nghị định 15 năm 2022 hay Nghị định 72 năm 2024, đối tượng giảm thuế 2% sẽ được mở rộng thêm cho các hàng hóa, dịch vụ công nghệ thông tin và thời gian giảm thuế cũng sẽ dài hơn, đến tận 31/12/2026, để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, ổn định tuân thủ quy định xuất hóa đơn và áp dụng thuế GTGT.  

Bên cạnh đó, ngành thuế cho hay, đã và đang tiếp tục rà soát để cắt giảm tiếp hơn 30% thủ tục hành chính thuế về thuế so với hiện nay.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn cũng điều chỉnh xuống mức phù hợp. Chẳng hạn, mức phạt tối đa cho hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm được đề xuất là 100 triệu đồng (hiện nay, Nghị định số 125 năm 2020 không quy định mức tối đa cho hành vi này).   

Hy vọng với những cải cách và các tín hiệu tích cực trên cùng nỗ lực của ngành thuế, chúng ta sẽ sớm có hệ thống chính sách quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, từ đó không chỉ nâng cao sự minh bạch, tính tuân thủ mà còn góp phần giảm gánh nặng thủ tục và chi phí tuân thủ cho các doanh nghiệp và người nộp thuế.

Tác giả: Anh Nguyễn Mạnh Hà là Giám đốc tư vấn thuế, hiện công tác tại một công ty tư vấn kiểm toán hàng đầu ở Việt Nam và có trên 20 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực kiểm toán, kế toán và tư vấn thuế. Anh có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế từ năm 2010 và là hội viên kỳ cựu của Hiệp hội kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!