Tháp in 3D cao nhất thế giới

Tháp in 3D cao nhất thế giới

bởi

trong

Thụy SĩTor Alva, tòa tháp 4 tầng cao 30 m mô phỏng hình dạng một chiếc bánh, khánh thành hôm 20/5 tại làng Mulegns, dãy Alps.

Tòa tháp do quỹ văn hóa Nova Fundaziun Origen hợp tác cùng Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ ETH Zurich xây dựng với mục đích “hồi sinh” Mulegns – ngôi làng hiện có chưa đến 20 người sinh sống. Theo nhóm dự án, đây là tòa tháp in 3D cao nhất thế giới. Design Boom cho biết, sau 5 năm ở Mulegns, nó sẽ được tháo dỡ và xây dựng lại ở nơi khác.





Tháp in 3D cao nhất thế giới

Tháp Tor Alva cao 30 m tại làng Mulegns. Ảnh: Birdviewpicture

Tor Alva, hay Tháp Trắng, được xây dựng trên một tòa nhà từng là xưởng rèn. Thiết kế của tòa tháp nhằm tái hiện một chiếc bánh nhiều tầng, tôn vinh những người làm bánh trong vùng, đồng thời hòa mình vào cảnh quan núi non xung quanh.

Tor Alva do kiến trúc sư Michael Hansmeyer, các giáo sư Walter Kaufmann, Robert Flatt, Benjamin Dillenburger từ ETH Zurich, công ty spin-off của đại học này là Mesh và công ty xây dựng Zindel United phát triển. Công trình xây từ những bộ phận bêtông in 3D, cũng là thành phần chịu lực. Chúng được ETH Zurich in tại cơ sở Honggerberg trong 5 tháng, sau đó vận chuyển đến làng Mulegns.

Robot chế tạo bộ phận bêtông theo quy trình sản xuất bồi đắp – bêtông được đắp dần từng lớp và gia cố bằng vòng thép, không cần dùng khuôn đúc. Các bộ phận liên kết với nhau mà không cần chất kết dính, sử dụng loại vít có thể tháo rời và cáp dự ứng lực nhằm đảm bảo dễ dàng tháo dỡ công trình và xây lại ở nơi khác trong tương lai. Các tầng nối với nhau bằng cầu thang xoắn ốc.

“Trong khi một robot đắp bêtông theo từng lớp, robot thứ hai đặt vòng gia cố vào công trình cứ mỗi 20 cm. Việc gia cố ngang bằng vòng này được bổ trợ bằng những thanh thép dọc lắp thêm sau khi in”, nhóm xây dựng giải thích.





Các cột in 3D của tháp Tor Alva. Ảnh: Benjamin Hofer

Các cột in 3D của tháp Tor Alva. Ảnh: Benjamin Hofer

Giáo sư Flatt đã phát triển một hỗn hợp bêtông đặc biệt cứng nhanh. Ngay trước khi bêtông phun ra từ vòi áp suất, hai chất phụ gia được trộn thêm vào hỗn hợp, giúp tạo ra những hoa văn nổi như giọt nước trên các cột tháp.

Kiến trúc sư Hansmeyer chia sẻ với Dezeen, đây là lần đầu tiên phương pháp in này được sử dụng cho các bộ phận kết cấu, trong khi trước đây chỉ dùng cho chi tiết trang trí.

“Tháp Trắng không chỉ là một thành tựu kỹ thuật. Công trình còn truyền cảm hứng cho ngành xây dựng, khuyến khích du lịch bền vững và cung cấp không gian văn hóa mới. Nó cũng mang đến cho một ngôi làng đang suy tàn cơ hội mới”, Giovanni Netzer, người sáng lập Nova Fundaziun Origen, kết luận.

Từ 23/5, tháp Tor Alva sẽ mở cửa hàng ngày cho các chuyến tham quan có hướng dẫn viên, sau đó trở thành địa điểm biểu diễn với một sân khấu nằm trên tầng mái vòm.

Thu Thảo (Tổng hợp)