VĐV VIỆT KIỀU, nGUỒN TÀI NGUYÊN RỘNG LỚN
Nếu bóng đá có Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm, Cao Pendant Quang Vinh, Mạc Hồng Quân, Viktor Lê… thì ở những môn thể thao khác, các VĐV Việt kiều cũng đang tạo ra bức tranh phong phú. Ngày 7.5.2023, cặp chị em sinh đôi Trương Thảo My (Kayleigh Truong) và Trương Thảo Vy (Katylynne Truong) đã đi vào lịch sử khi cùng đội tuyển bóng rổ 3×3 VN giành HCV đầu tiên ở các kỳ SEA Games. Đây cũng là cột mốc đặc biệt khi lần đầu tiên có cặp chị em Việt kiều cùng đem về tấm HCV cho thể thao VN ở một kỳ đại hội thể thao khu vực. Sinh năm 2001, lớn lên ở Houston, Texas (Mỹ), My và Vy đã thừa hưởng tình yêu bóng rổ của bố là ông Trương Mẫn và được khuyến khích tập luyện, theo đuổi môn thể thao này. Vào cuối cấp trung học, Thảo My và Thảo Vy từng giành chức vô địch quận, sau đó tiếp tục chơi bóng rổ ở Trường ĐH Gonzaga (Mỹ), một trong những ngôi trường mạnh nhất trong đấu trường NCAA (Hiệp hội thể thao các trường ĐH Mỹ). Hai chị em lần đầu thi đấu cho đội tuyển VN ở giải ABL ICC 2022 và giành chức vô địch, trước khi có tấm HCB đầu tiên ở SEA Games 31 trên sân nhà.

Cặp chị em sinh đôi Thảo My (11) – Thảo Vy (14), VĐV Việt kiều giúp VN có tấm HCV môn bóng rổ đầu tiên tại SEA Games 32
Ảnh: Hà Phương
Sau khi đem về tấm HCV lịch sử cho bóng rổ VN ở SEA Games 32 tại Campuchia năm 2023, Thảo Vy xúc động: “Tôi là một cô gái VN, lớn lên trong một gia đình VN. Tôi chỉ muốn thi đấu cho VN và muốn chơi cạnh các cô gái VN. Ở Mỹ, tôi không có nhiều cơ hội để chơi bóng cùng các cô gái châu Á. Vì vậy thực sự rất tuyệt khi được chơi cho đất nước của mình”. Trước đó, trong bài phỏng vấn trên tạp chí chuyên về bóng rổ The Next Hoops (Mỹ), Thảo Vy chia sẻ được về nước và hòa mình vào văn hóa VN, đặc biệt là mang huy chương về cho nước nhà, là niềm vinh dự tuyệt vời.
Câu chuyện về chị em VĐV bóng rổ sinh đôi được truyền thông quốc tế đặt tên là Trương Twins là câu chuyện tiêu biểu cho làn sóng VĐV Việt kiều đang hồi hương và có những đóng góp ngày một lớn vào thành tích đỉnh cao của thể thao VN. Có thể kể tên Savanna Lý Nguyễn (sinh năm 2000 tại Canada) – Chanelle Vân Nguyễn (1994, Mỹ) nội dung đồng đội nữ với HCB SEA Games 31 và HCĐ SEA Games 32 môn quần vợt; kình ngư Jeremie Lương (2000, Pháp) giành 1 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ SEA Games 31 và 3 HCĐ SEA Games 32; Đinh Thanh Tâm giúp bóng rổ VN đoạt 2 HCĐ SEA Games 30, HCB SEA Games 31… Sự xuất hiện của các VĐV Việt kiều ngày một nhiều ở những kỳ SEA Games gần nhất cho thấy sức hút của thể thao VN, đồng thời mở ra tiềm năng đóng góp lớn lao từ cộng đồng người Việt ở hải ngoại đang hướng nhiều hơn về quê hương.
CẦN ĐẨY MẠNH CHIẾN LƯỢC THU HÚT NHÂN TÀI
Nhìn lại dòng chảy vài năm qua của thể thao VN, có thể thấy xu hướng xã hội hóa đang có những đóng góp quan trọng trong việc kết nối, thu hút và kêu gọi các VĐV Việt kiều về cống hiến cho Tổ quốc. Như ở môn bóng rổ, toàn bộ 5 thành viên đội tuyển bóng rổ nam VN là Đinh Thanh Tâm, Đinh Thành Sang, Trần Đăng Khoa, Justin Young, Chris Dierker đều là Việt kiều nhập tịch. Họ đã thể hiện tài năng ở giải bóng rổ chuyên nghiệp VN (VBA), được thử sức trong màu áo đội Saigon Heat tranh tài ở giải bóng rổ nhà nghề Đông Nam Á. Từ đó, các VĐV này đã được hỗ trợ và tạo điều kiện để lấy quốc tịch VN tranh tài SEA Games 30 ở Philippines năm 2019, đem về 2 tấm HCĐ lịch sử. Đến SEA Games 31 ở VN, phần lớn trong số 16 tuyển thủ của đội tuyển bóng rổ VN là VĐV Việt kiều trở về từ Mỹ, Thụy Điển. Câu chuyện chị em Trương Thảo My và Trương Thảo Vy giúp bóng rổ VN đánh bại Philippines – trước đó không có đối thủ trong khu vực – đem về tấm HCV lịch sử ở SEA Games 32 cho thấy tiềm năng và khát khao của những VĐV gốc VN ở nước ngoài là rất lớn.
Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng Thể thao thành tích cao – Cục TDTT VN, đánh giá: “Các cầu thủ bóng đá nói riêng và các VĐV Việt kiều nói chung đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thể thao VN. Nhiều VĐV Việt kiều được đào tạo trong hệ thống thể thao tiên tiến ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Đức, Úc…), có trình độ kỹ thuật, thể lực và tư duy chiến thuật vượt trội. Khi thi đấu cho VN, họ giúp nâng chất lượng chuyên môn của các đội tuyển quốc gia, như trong các môn: bóng đá, điền kinh, bơi lội, võ thuật, thể dục dụng cụ… Họ là tấm gương về kỷ luật chuyên nghiệp, thái độ tập luyện nghiêm túc và tinh thần vượt khó, giúp tạo ra môi trường cạnh tranh tích cực cho VĐV trong nước, góp phần thay đổi tư duy về đào tạo và quản lý thể thao theo hướng hiện đại.
Để thu hút thêm nguồn VĐV Việt kiều, ngành thể thao VN cần xây dựng cơ chế pháp lý minh bạch và thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục, ban hành chính sách rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm và chế độ khi thi đấu cho VN, thiết lập mạng lưới tìm kiếm VĐV Việt kiều ở các quốc gia có cộng đồng người gốc Việt lớn như Mỹ, Pháp, Đức, Canada; cử đại diện đến liên hệ trực tiếp với các VĐV, gia đình, hoặc các học viện thể thao. Có cơ chế tài chính phù hợp, đảm bảo điều kiện ăn ở, y tế, bảo hiểm, giáo dục… để VĐV yên tâm cống hiến. Tổ chức các chương trình hỗ trợ văn hóa, ngôn ngữ, giúp VĐV Việt kiều dễ hòa nhập với môi trường trong nước. Vinh danh, khen thưởng kịp thời để họ cảm nhận được sự trân trọng từ quê hương”.
Chứng kiến thành công của VĐV bơi lội Jeremy Lương theo gia đình từ Pháp về VN từ năm 2010, Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.HCM Hoàng Quốc Bình chia sẻ: “Các VĐV Việt kiều là nguồn lực lượng rất tốt cho thể thao VN, thể hiện qua thành tích các môn bóng rổ, bóng đá, quần vợt, bơi lội… ở SEA Games. Đó là xu thế, nhưng để kêu gọi họ về VN thành công hơn nữa thì rất cần sự hỗ trợ tốt hơn về mặt thủ tục”.