Thầy giáo mở lớp học AI và chuyển đổi số miễn phí cho người cao tuổi

Thầy giáo mở lớp học AI và chuyển đổi số miễn phí cho người cao tuổi

bởi

trong
Thầy giáo mở lớp học AI và chuyển đổi số miễn phí cho người cao tuổi

Sau 3 tháng từ khi triển khai mô hình “lớp học chuyển đổi số và AI”, có tới hàng trăm người cao tuổi được hỗ trợ – Ảnh: HÒA BÌNH

Trong căn phòng chỉ rộng khoảng 20m2, lớp học về chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra sôi nổi. Học viên của lớp đều trên 60 tuổi, có những người trên 85. 

Đây là mô hình “lớp học chuyển đổi số và AI” do thầy Đinh Ngọc Sơn – bí thư Chi bộ khu dân cư số 9 (phường Cầu Giấy, TP Hà Nội), nguyên phó trưởng khoa phát thanh – truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền – tổ chức miễn phí, nhằm giúp những người cao tuổi không bị bỏ lại phía sau trong thời kỳ chuyển đổi số, công nghệ ngày càng trở thành công cụ hữu ích trong cuộc sống.

Sau 3 tháng, thầy Sơn đã tổ chức được 10 lớp, với hơn 100 người cao tuổi được hỗ trợ sử dụng chatbot và các ứng dụng phổ biến; được nâng cao kiến thức phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng…

Thầy Đinh Ngọc Sơn chia sẻ: “Bản thân tôi đã hơn 60 tuổi, khi tuổi già tới nếu không học sẽ bị chậm từ tư duy đến hành động. Tôi cũng phải học về các ứng dụng công nghệ, sau đó truyền cảm hứng cho những người lớn tuổi khác. Từ khi mở lớp, nhiều người trên 60 tuổi đăng ký, có những cụ nay đã 85 tuổi cũng hào hứng đến học. 

Để có thể hướng dẫn người cao tuổi dễ dàng tiếp cận, tôi chọn cách thiết kế bài giảng, nội dung đơn giản và có tính ứng dụng để mọi người có thể dễ dàng học tập”.

AI - Ảnh 3.

Sau thành công bước đầu của mô hình “lớp học chuyển đổi số và AI”, thầy Sơn mong muốn tổ chức những lớp học online, tạo một cộng đồng, ở đó có những người có kiến thức, sẵn sàng chia sẻ miễn phí cho mọi người – Ảnh: HÒA BÌNH

AI - Ảnh 4.

Lớp học với những thành viên “đặc biệt” – Ảnh: HÒA BÌNH

AI - Ảnh 5.

Không laptop, không ghi chú trên điện thoại, nhiều người lớn tuổi cẩn thận ghi lại nội dung học vào cuốn sổ tay – Ảnh: HÒA BÌNH

Đối với thầy Sơn, mô hình “lớp học chuyển đổi số và AI” ra đời nhằm xóa bỏ rào cản, nỗi sợ lên mạng là sẽ bị lừa đảo bủa vây.

“Người già có nỗi sợ vào mạng sẽ bị kẻ xấu nhanh chóng tiếp cận và sẽ là nạn nhân của lừa đảo. Tôi có những cách giải thích vì sao lại bị lừa, luôn đề cao bảo mật thông tin cá nhân. Kẻ xấu luôn đánh vào tâm lý lòng tham, lừa những ai muốn nhận tiền thưởng, muốn nhận quà miễn phí; Hoặc quá sợ hãi, cung cấp thông tin cá nhân khi kẻ lừa đảo tự xưng là cơ quan công an…”, thầy Sơn phân tích.

AI - Ảnh 7.

Ông Phạm Văn Hùng (trú tại phường Tây Hồ, Hà Nội) tham gia lớp học vào những ngày đầu tiên, giờ đây ông trở lại lớp với vai trò hỗ trợ những người cao tuổi khác sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại – Ảnh: HÒA BÌNH

Từng là nạn nhân của những cuộc gọi lừa đảo, thường ngày chỉ dùng điện thoại để xem video, tìm kiếm thông tin cơ bản, ông Phạm Văn Hùng (trú ở phường Tây Hồ, Hà Nội) đã thấy nhiều thay đổi sau vài tháng học.

Ông Hùng kể: “Chúng tôi quan tâm nhất đến sức khỏe, nên những thông tin hằng ngày như thói quen ăn uống, mua sắm hoặc tác dụng của các loại thuốc điều trị bệnh được tôi thường xuyên “nhờ” chatbot giải đáp. 

Cùng với đó là những thông tin về kê khai thuế thu nhập cá nhân, làm lại giấy tờ cho cả gia đình theo mô hình địa phương 2 cấp, hay những ứng dụng phục vụ công tác chuyển đổi số… tôi đều được giải đáp trong lớp học.

Sau khi học, tôi cũng biết bản thân phải tỉnh táo, không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào, không nghe theo những yêu cầu từ các đối tượng lạ giả danh”.

AI - Ảnh 9.

Bà Nguyễn Thị Thu (phường Cầu Giấy, TP Hà Nội) cảm thấy trí tuệ nhân tạo như một “người bạn” đồng hành mỗi ngày – Ảnh: HÒA BÌNH

Đã làm quen và sử dụng thành thao các công cụ chatbot phổ biến, bà Nguyễn Thị Thu (phường Cầu Giấy, TP Hà Nội) cảm thấy AI như một người bạn đồng hành luôn bên cạnh.

“Ngày trước cái gì không biết thì hỏi con, hỏi cháu. Giờ đây tôi có chatbot như người bạn đồng hành, không cần phải đọc, mà chỉ cần nghe những thông tin rất rõ ràng, dễ hiểu.

Có lớp học về AI, những người lớn tuổi như chúng tôi được giúp rất nhiều. Người già như chúng tôi cảm thấy không bị tụt hậu, mà đến đây được cải thiện tư duy, biết những thay đổi mạnh mẽ trong thời đại chuyển đổi số nhanh chóng như hiện nay”, bà Thu tâm sự.

AI - Ảnh 10.

Những thông tin về sức khỏe, thực đơn ăn uống, tra cứu thông tin được chatbot trả lời nhanh chóng – Ảnh: HÒA BÌNH

AI - Ảnh 11.

Ngoài thầy Sơn, nhiều người cũng tình nguyện đến hướng dẫn trực tiếp cho người lớn tuổi ngay trên điện thoại – Ảnh: HÒA BÌNH