Thầy Ngộ mất rồi! – Truyện ngắn của Trương Văn Tuấn

Thầy Ngộ mất rồi! – Truyện ngắn của Trương Văn Tuấn

bởi

trong

Những ông bác, ông chú có tuổi, có kinh nghiệm của xóm chợ chỉ đạo việc gọi dịch vụ mai táng, dịch vụ nấu ăn, tháo vách, dọn sân, xếp bàn ghế… Những thanh niên, phụ nữ và trẻ con thì làm theo trong nề nếp, trang nghiêm.

Thầy Ngộ mất rồi! – Truyện ngắn của Trương Văn Tuấn

Minh họa: Văn Nguyễn

Đến 8 giờ 30, hồi trống báo tang chính thức vang lên thùng thùng. Dịch vụ tang lễ tiếp tục việc xếp đặt thêm hoa, trang hoàng linh đường. Thầy Ngộ là người có tuổi và được xem trọng từ trong nhà trường đến ngoài đời, là thầy trên bục giảng lẫn trong nếp sống của từng người dân xóm chợ nên linh đường phải lộng lẫy và chỉn chu mới xứng tầm.

Trống báo tang dứt hồi thì Thành cũng về lại nhà, nằm duỗi chân trên võng để nghỉ mệt. Quán cơm của Thành hôm nay đóng cửa, ba mẹ và vợ của Thành vẫn còn phụ việc bên đám.

Mở điện thoại lên, Thành đoán lần lượt từng tin nhắn cùng những biểu cảm buồn, hốt hoảng.

– Ồ.

– Đứa nào về không?

– Ông Quốc, bà Hằng tính sao?

– Mới hôm trước, chưa kịp uống với thầy ly nào…

Thầy Ngộ có hơn 40 năm đi dạy, thầy dạy hầu hết những đứa trẻ của xóm chợ và của cả cái xã này. Tháng trước một số đứa cùng thời, cùng xã tụ tập lại ăn nhậu chỗ nhà Thành. Chúng đi bộ sang nhà thầy, chào hỏi cho phải phép. Nhưng hôm ấy thầy bận đi đám giỗ xa nên không sang ngồi cùng tụi học trò cũ.

Không lộ ra mặt, nhưng có thể đứa nào cũng mừng vì thầy bận.

Một phần vì khoảng cách thế hệ, một phần vì sợ gặp thầy lại hỏi về công việc – đứa nào cũng thấy mình còn nghèo, còn dở dang, không muốn chia sẻ, một phần không muốn nghe lại những câu chuyện cũ thầy cứ kể đi kể lại nhiều năm nay.

Trong số đấy, chuyện thầy cứu một đám trẻ trước sự tấn công của bầy ong vò vẽ là thầy hay kể nhất.

Hôm ấy, nhóm trẻ chừng chín mười đứa, có lớn có nhỏ, có trai có gái cùng nhau trốn ngủ trưa, chạy ra chơi ở khu đất trống cuối chợ. Đứa thì cắt bông lau buộc thành chùm, đứa quấn lá làm kèn, đứa bắt chước người lớn đặt lờ bắt cá, đứa thì đơn giản là mang bánh kẹo ra ngồi nhồm nhoàm cho sướng miệng. Cạnh đó là một thân dừa cao gần mười mét, có tổ ong vò vẽ to bằng hai bàn tay người lớn đóng ngay cái tàu lá đã chuyển màu vàng nâu, cúp đuôi xuống thân cây. Thằng Văn thấy mình nhẹ ký nên đu thử tàu dừa xem sao.

Xoạt… Tàu lá rơi xuống kéo theo tổ ong vò vẽ đang bám víu. Đúng là ong vỡ tổ! Chúng túa ra và bắt đầu tuốt gươm tự vệ.

Đám con nít la í ới:

– Chạy! Chạnh nhanh!…

Chỉ còn lại hai đứa trẻ: thằng Văn đứng nhìn trân trân tổ ong vỡ, thằng còn lại đứng nhìn thằng Văn.

– Tui đứng bên kia con mương, tui thấy hai đứa nó bất động. Tui nghĩ bụng: thôi xong rồi.

Thầy Ngộ kể lại đầy gay cấn, trăm lần như một.

– Tui bay qua liền. Tôi ấn một đứa xuống hốc cỏ, lột cái áo ra trùm lên trên. Tui kêu: nằm im. Còn thằng Văn, may là nó nhỏ xíu con, tui ôm gập nó lại, bế trước ngực. Tui chạy thẳng một mạch… nhảy mương… lủi ngang mấy bụi cỏ lau, cỏ bò… Mấy con ong nó khôn mà nó lì lắm, đuổi theo tới tấp, nó đáp trên đầu, trên lưng tui nghe bon, bon… Tui chạy tới chỗ cây cầu xi măng là tui hết biết gì rồi…

Đúng là lúc đấy thầy hết biết gì thật. Người dân túa ra, cầm chổi quơ, cầm lửa đốt, cầm bình xịt côn trùng cùng xua mớ ong còn lại. Thằng Văn bị đốt hai vết ở chân và tay, hành sốt mấy ngày. Thầy Ngộ thì bị nhiều vết ở đầu và lưng. Thầy nhập viện nằm li bì mấy hôm rồi xuất viện trong tiếng hò reo chào đón người anh hùng. Thầy là người ơn của thằng Văn, của lũ trẻ, của chục hộ gia đình.

Chuyện thầy cứu thằng Văn được thầy kể mãi suốt 20 năm. Thằng Văn đi làm ăn xa, mất do bệnh khi đang ở tuổi hai mươi tám. Trong đám tang nó, thầy cũng kể lần nữa.

Hồi trước người ta cũng thắc mắc cái đứa được thầy trùm áo che chở là ai. Nhưng không đứa nào nhận. Thằng Thành cũng không nhận.

Có đứa chỉ bị trầy xước do chạy té, đứa bị một hai vết đốt trên đầu, trên lưng. Đứa nào cũng chung tâm trạng sợ bị ba mẹ cho ăn đòn vì tội nghịch phá, báo làng báo xóm nên đều im lặng, đều đơn giản hóa tình huống: bữa đó chỉ đứng xa xa hoặc vô tình đi ngang nên bị ong đốt. Cái chuyện sinh tử trong gang tấc mãi được kể kia chúng đều ít liên quan, trừ thằng Văn.

Nhưng cứ mỗi lần thầy Ngộ kể chuyện là mỗi lần dấy lên trong chúng mặc cảm về sai lầm và dại dột của tuổi trẻ. Mỗi lần thầy Ngộ hiện lên với dáng vẻ người hùng là mỗi lần thằng Văn thu mình lại bé nhỏ, ngờ nghệch như minh họa cho hình ảnh bất lực của nó khi xưa lúc đứng trước tổ ong vỡ chờ được giải cứu.

Thầy Ngộ làm thầy trên bục giảng nhiều năm nên trên thông thiên văn dưới tường địa lý, giữa đời thường thầy cũng là thầy của mọi người mọi nhà.

Anh Chính hơn Hoa hai tuổi cũng đều là học trò qua tay thầy cả. Họ cưới nhau. Ngày đưa dâu bên đàng gái, hai nhà đang làm lễ thầy hốt hoảng kêu lên:

– Bậy! Đàng gái phải ngồi bên này, đàng trai phải vô hướng này, ngồi bên kia… Cô dâu phải bước ra từ cửa kia chứ.

Thế là lễ tạm ngưng, hai đàng trai gái lục đục đứng lên đổi chỗ, cô dâu thập thò bước vào rồi bước ra.

Nhà Chính lại cận nhà thầy, hồi hai vợ chồng bớt mặn nồng đi, vẫn hay cãi cọ. Hôm trước cãi, là hôm sau thầy lại sang, giảng thêm về đạo vợ chồng, đạo làm dâu và cách ứng xử sao cho phải phép.

– Hồi tối không có thầy Ngộ ở đó chắc con đập ông Chính rồi.

Hoa nói thế khi vừa ăn sáng vừa kể cho mẹ Thành nghe việc Chính cá độ đá banh thua gần trăm triệu. Muốn dạy chồng mà cứ bị lễ nghĩa ràng buộc, đúng là uất thiệt.

Trong xóm có ai đặt tên con, xây nhà, mua đất… thầy cũng nhiệt tình góp ý, chỉ bảo thêm. Nhà ai có đám tang hữu sự, thầy đến chỉ huy, xếp đặt cho đúng quy cách, chuẩn mực. Có người làm theo, nhưng cũng có người gật gù cho có.

Lần trước trong xóm có thanh niên khởi nghiệp bằng nông sản sấy khô. Ngày khách hàng, lãnh đạo địa phương, đài phát thanh xã đến dự tiệc trà, thầy cũng được mời sang ngồi.

Thầy tâm đắc với ý tưởng, hương vị, bao bì từ sản phẩm của học trò lắm nhưng vẫn muốn góp ý thêm:

– Sản phẩm vầy là hay rồi, nhưng còn thiếu…

Thanh niên khởi nghiệp đột ngột quắn quéo người rơi cả bình trà xuống đất nên chưa nghe rõ thầy bảo thiếu gì.

– Thầy lớn tuổi rồi con, thầy dạy cái gì mình quý cái đó.

Ba mẹ Thành hay dặn chừng khi thấy Thành thở dài, chán ngán.

Ngành học của Thành cũng do thầy chọn giúp. Khi ấy người ta bảo:

– Thôi đừng! Tụi nhỏ làm gì tùy nó. Mình hướng nghiệp không khéo thành tạo nghiệp.

– Đâu! Mình phải định hướng cho phụ huynh và tụi nhỏ chứ – Thầy chỉnh đốn tư tưởng ngay.

Thành học đại học được hai năm thì bỏ ngang, về nhà phụ bán quán cơm. Thầy có vẻ thất vọng nên ít sang ăn sáng, ăn trưa hơn so với lúc Thành mới đỗ vào trường danh tiếng trên Sài Gòn.

Ít năm sau Thành lấy vợ, sinh con. Thầy cũng nguôi ngoai dần, ít góp ý nên thế này thế kia nữa.

Những người trẻ ở xóm chợ này lao đi tứ phía lập nghiệp, kiếm tiền, tiếp xúc không ít mẫu người. Đâu đó có những người tự thần thánh hóa chuyên môn, lĩnh vực của mình thành một cấm địa, một đỉnh cao chót vót mà không phải ai cũng được bước vào hay với tới. Đâu đó có những tiền bối sống lâu năm nên biến mình thành chuẩn mực của mọi giá trị.

Thành ra, vào những ngày nghỉ ở quê, có những trung niên, thanh niên gặp lại thầy Ngộ thì không ngỡ ngàng khi được nghe góp ý, bảo ban – nghe chỉnh đốn riết rồi thành ghiền vậy. Nhưng có những đứa học trò xa quê về gặp lại thầy thì thêm trầm uất, chán chường mà cảm thán:

– Ra đời đã bị những ông nội bà ngoại vùi dập, về nhà lại gặp thầy Ngộ!

10 giờ hơn, dịch vụ trang trí tang lễ ra về. Thầy Ngộ ra đi đột ngột nên chưa kịp dặn dò cho hậu sự của chính mình. Nhưng chắc nếu biết mọi chuyện thì thầy cũng an tâm: dịch vụ tự lo được hết. Dịch vụ bây giờ vừa nhanh vừa khéo, muốn đẹp – sang – hiện đại – cổ điển – sặc sỡ – trong trẻo – bình dân hay cao cấp, đều có cả.

Tin nhắn trong nhóm lại xôn xao, hò hẹn:

– Có chấp điếu không?

– Định viếng bao nhiêu?

– Mình chuyển khoản nha, không về được rồi.

– Vợ chồng ông Chính bà Hoa khi nào về?

Hộp thoại thông báo Hoa đang soạn tin nhắn, thấy soạn thật lâu, hóa ra là vì ngập ngừng.

– Hai đứa tui ly hôn lâu rồi bà ơi – Hoa đáp.

– Thiệt hả… Xin lỗi. Tui không biết.

– Không sao. Tui giấu thì làm sao biết.

Hộp thoại yên ắng một lúc cho những dòng nhắn riêng. Vợ chồng Hoa đi làm xa quê được một năm thì chính thức đường ai nấy đi. Niềm riêng thôi thì cứ giữ cho riêng mình, nói ra mắc công vướng phải bàn tán, dị nghị. Nay cũng chừng yên ổn, thành chuyện đã qua nên Hoa mới chia sẻ.

Ê, rồi đứa nào năm xưa được thầy cứu chung với thằng Văn vậy bây?

Một dòng tin nhắn khơi chuyện cũ chen vào giữa yên lặng.

Là Thành.

Năm ấy Văn đứng bất động, còn Thành thì đứng nhìn Văn, nó quyết tâm chờ bạn cùng chạy. Rồi bất chợt một bàn tay mạnh mẽ thộp lấy vai Thành, ấn nó xuống hốc cỏ. Thầy Ngộ xé tung áo, trùm lên mặt Thành.

Cái cảm giác nhìn đàn ong vừa đáp đất đã bay tung lên đe dọa không hề đáng sợ. Nhưng khi cái tấm áo mờ đục của người khác trùm lên đầu mới đáng sợ: trước mắt Thành là tấm màn che mờ mịt, sáng lòe nhòe, bên ngoài bóng hình từng con ong to khỏe thay nhau đáp lụp bụp lên tấm vải, lăn tròn, bay lên rồi lại đáp xuống… Bao nhiêu con? Chúng tấn công đến bao giờ mới ngưng?

Ngột ngạt, khó thở và sợ hãi!

Không thể nằm chờ!

Thành đưa tay xuống chân, lột đôi dép nhựa rồi giữ chặt trong tay. Thành tung tấm áo ra. Chạy. Thành nhảy vọt qua cái tổ ong vỡ. Thành dùng dép tát một con ong đang lao đến trước mặt, chính xác và dứt khoát một cách kỳ diệu như người ta chơi quần vợt vậy.

Chạy và chạy, không ngoái đầu.

Thành vung tay ném đôi dép sang bên kia bờ, rồi nhảy ầm xuống mương nước sâu. Chín tuổi, khi ấy Thành chưa biết bơi. Nhưng thằng bé biết bình tĩnh đạp bùn, quơ tay tìm cỏ, tự kéo mình ngoi lên ở hướng bờ bên kia. Thành vọt nhanh về nhà tự tắm rửa, thay đồ, duy có những vết trầy là không giấu được.

Thằng bé không dám kể lại chuyện đó. Sợ bị mẹ đánh vì những cái tội khó dung: đi rông nghịch dại, xém chết vì ong đốt, nhảy mương khi chưa biết bơi lội. Sợ câu chuyện tự cứu mình không hay ho, ly kỳ bằng câu chuyện cứu người của thầy Ngộ. Và sợ bị nhắc đi nhắc lại. Cứ thế, chuyện ai nằm dưới tấm áo thầy Ngộ nhạt nhòa theo thời gian.

– Cho tôi gửi viếng nha.

– Chuyển khoản nha.

Khách viếng đã đến nhiều dần. Trống kèn trỗi lên liên tục.

Thành muốn nằm lười thêm chút nữa, nghỉ mệt nhân tiện trả lời tin nhắn nhờ cậy từ bạn bè rồi hẵng sang phụ đến chiều. Quán đóng cửa, không khách đến ăn cơm, ba mẹ, vợ con đi vắng – thành ra được cảm giác yên bình hiếm hoi.

Thầy Ngộ hơn 40 năm làm thầy, dạy từ đời cha đến đời con.

Thầy hưởng thọ 82 tuổi.

Học trò có đứa về viếng, đứa không.