Thẻ APEC và thẻ ABTC có phải là một?

Thẻ APEC và thẻ ABTC có phải là một?

bởi

trong

Thẻ APEC là thẻ đi lại doanh nhân, được gọi tắt là thẻ ABTC, là một loại thẻ do cơ quan có thẩm quyền của nền kinh tế thành viên APEC cấp cho doanh nhân của mình sau khi nhận được sự đồng ý cho phép nhập cảnh từ các nền kinh tế thành viên khác.

Thẻ APEC và thẻ ABTC có phải là một?

Quầy nộp hồ sơ đề nghị cấp mới thẻ APEC tại TP.HCM tại 333-335-337 Nguyễn Trãi, Q.1

ẢNH: NGUYỄN ANH

Việc cấp thẻ APEC cần có sự đồng thuận từ toàn bộ các nền kinh tế thành viên APEC được liệt kê trên mặt thẻ. APEC là diễn đàn kinh tế và hợp tác đa phương của 21 nền kinh tế thành viên trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thành lập từ năm 1989.

Theo điều 2 Thông tư 28/2016/TT – BCA, thẻ APEC có giá trị thay thế thị thực (visa) khi người mang thẻ nhập cảnh vào các nước và vùng lãnh thổ là thành viên tham gia chương trình thẻ ABTC có tên trên thẻ.

Người sở hữu thẻ APEC không cần xin visa riêng lẻ khi nhập cảnh vào các quốc gia như Việt Nam, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Singapore, Nhật Bản… nếu các nước này đã duyệt hồ sơ thẻ và tên của họ được in rõ trên thẻ.

Ngoài ra, thẻ APEC còn giúp doanh nhân được sử dụng làn ưu tiên tại cửa khẩu, miễn khai tờ khai xuất nhập cảnh, và tiết kiệm đáng kể thời gian xử lý hồ sơ trong các chuyến công tác ngắn ngày.

Thủ tục cấp thẻ ABTC hiện nay đang được thực hiện bởi Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an thông qua ba hình thức: trực tiếp, trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích.

Thẻ APEC và thẻ ABTC có phải là một? - Ảnh 2.

Nếu sở hữu thẻ APEC không cần xin visa riêng lẻ khi nhập cảnh vào các quốc gia là thành viên APEC, được sử dụng cổng ưu tiên tại cửa khẩu

ẢNH: ĐỘC LẬP

Điều kiện gì để được cấp thẻ APEC?

Theo Bộ Công an, đối với cơ quan, tổ chức nơi doanh nhân làm việc, phải chứng minh có nhu cầu cử nhân sự đi lại thường xuyên, ngắn hạn để tham dự các hội nghị, hội thảo, cuộc họp thường niên hoặc các hoạt động hợp tác, phát triển kinh tế trong khuôn khổ APEC.

Đối với doanh nghiệp phải hoạt động liên tục tối thiểu 12 tháng, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội và các nghĩa vụ pháp lý liên quan.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần có hoạt động ký kết, hợp tác kinh doanh trực tiếp với đối tác từ các nền kinh tế thành viên APEC và có nhu cầu thực tế cử người đi công tác ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ hoặc các mục tiêu kinh tế khác trong khối APEC.

Riêng với cá nhân doanh nhân được đề nghị cấp thẻ APEC, phải đáp ứng ba tiêu chí, đó là: đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; đang làm việc và giữ chức vụ thực tế tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tối thiểu 12 tháng tính đến thời điểm đề nghị. Đặc biệt không thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định theo luật Xuất cảnh, nhập cảnh công dân Việt Nam.

Quy trình cấp thẻ APEC ra sao?

Bước 1: Doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước có nhu cầu đề nghị cấp mới thẻ APEC phải chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, gồm: tờ khai mẫu, ảnh chân dung, văn bản xác nhận của lãnh đạo, kèm theo văn bản cho phép sử dụng thẻ APEC của cấp có thẩm quyền, được cấp trong vòng 6 tháng gần nhất. Tất cả quy trình này đều thực hiện trong giờ hành chính từ thứ hai đến sáng thứ bảy hằng tuần, trừ các ngày nghỉ lễ, tết.

Thẻ APEC và thẻ ABTC có phải là một? - Ảnh 3.

Cục Quản lý xuất nhập cảnh là nơi nhận hồ sơ đề nghị cấp mới thẻ APEC

ẢNH: NGUYỄN ANH

Bước 2: Chọn cách thức nộp hồ sơ. Theo đó, hồ sơ này có thể nộp trực tiếp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh trụ sở ở Hà Nội 44 – 46 Trần Phú, Q.Ba Đình hoặc ở TP.HCM tại 333-335-337 Nguyễn Trãi, Q.1.

Ngoài ra có thể nộp trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Đối với hình thức trực tiếp, người đại diện được cử thay mặt doanh nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Bước 3: Khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ kiểm tra tính pháp lý và hợp lệ.

Nếu hồ sơ đầy đủ, hệ thống sẽ phát hành giấy hẹn hoặc thông báo điện tử xác nhận tiếp nhận. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cán bộ sẽ hướng dẫn chỉnh sửa theo mẫu CV03 hoặc hệ thống của Cổng dịch vụ công thông báo bằng tin nhắn hoặc thư điện tử.

Bước 4: Nhận kết quả theo giấy hẹn: Nếu chọn nhận thẻ APEC cứng thì cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc đề nghị nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính. Nếu chọn thẻ APEC điện tử, doanh nhân sẽ được cấp tài khoản truy cập để sử dụng ngay qua hệ thống dịch vụ công.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, phải trao đổi dữ liệu với thành viên APEC

Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 3 ngày làm việc, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ tiến hành trao đổi dữ liệu nhân sự với các nền kinh tế thành viên APEC. Bởi mỗi nền kinh tế đều có quyền chấp thuận hoặc từ chối đồng ý cấp thẻ cho cá nhân được đề xuất, dựa trên thông tin an ninh, lý lịch và mục đích nhập cảnh.

Trong vòng 21 ngày kể từ khi chuyển dữ liệu, các nền kinh tế thành viên sẽ phản hồi xét duyệt. Nếu được tất cả các bên đồng ý, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp thẻ APEC trong vòng 3 ngày làm việc tiếp theo.

Riêng với trường hợp chưa nhận đủ ý kiến phản hồi từ tất cả các thành viên, nếu doanh nhân vẫn có nhu cầu cấp thẻ sớm, cơ quan, doanh nghiệp có thể gửi văn bản đề nghị. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi nhận văn bản này, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ trả kết quả theo yêu cầu.

Trong mọi trường hợp, nếu không được đồng ý cấp thẻ, cơ quan cấp thẻ có trách nhiệm trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên hệ thống dịch vụ công, nêu rõ lý do từ chối. Đề nghị cấp thẻ APEC có lệ phí 1,2 triệu đồng.