Thêm nghiên cứu quốc tế mới về nguồn gốc Covid-19

Thêm nghiên cứu quốc tế mới về nguồn gốc Covid-19

bởi

trong

Nghiên cứu mới về nguồn gốc Covid-19 nói trên được công bố trên tạp chí Cell ngày 7.5, do Đại học Edinburgh (Scotland) dẫn đầu và có sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ 20 tổ chức ở Mỹ, châu Âu và châu Á, trong đó có Trung Quốc.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 167 bộ gien virus corona ở dơi và truy tìm nguồn gốc của loại virus gây ra Covid-19 đối với quần thể dơi ở miền bắc Lào và ở tỉnh Vân Nam thuộc miền tây Trung Quốc, nơi tổ tiên gần nhất của virus này lưu hành từ 5-7 năm trước khi đại dịch Covid-19 bùng lên.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét bộ gien của sarbecovirus, loại vius corona có thể gây ra bệnh đường hô hấp nghiêm trọng. Sarbecovirus bao gồm SARS-CoV-1, gây ra đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) năm 2002–2004, và SARS-CoV-2, gây ra đại dịch Covid-19.

Thêm nghiên cứu quốc tế mới về nguồn gốc Covid-19

Dơi móng ngựa là nơi trú ẩn chính cho tổ tiên của các loại virus gây ra Covid-19 và đợt bùng phát Sars năm 2002-2004

Ảnh: Chụp màn hình SCMP

Tác giả nghiên cứu Jonathan Pekar cho hay nghiên cứu mới cho thấy SARS-CoV-1 ban đầu đã lưu hành ở miền tây Trung Quốc chỉ một hoặc hai năm trước khi bệnh Sars xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông vào cuối năm 2002.

Trong khi đó, SARS-CoV-2 xuất hiện ở miền tây Trung Quốc hoặc miền bắc Lào từ 5-7 năm trước khi Covid-19 xuất hiện ở thành phố Vũ Hán vào cuối năm 2019, theo ông Pekar. Ông đưa ra bình luận này trong một cuộc phỏng vấn với cổng thông tin khoa học EurekAlert vào ngày 7.5, theo South China Morning Post.

Phân tích lịch sử di truyền của virus gây Covid-19 cho thấy tổ tiên của virus này đã tiến hóa cách Vũ Hán gần 3.000 km, vượt xa phạm vi bay tự nhiên của loài dơi. 

Dơi là nguồn chứa chính của SARS-CoV-2. Dù không gây hại cho loài dơi, nhưng SARS-CoV-2 được cho là lây truyền từ động vật sang người.

Sử dụng dữ liệu trình tự bộ gien, nhóm nghiên cứu đã lập bản đồ phát sinh loài về SARS-CoV-1 và SARS-CoV-2, tái tạo lại quỹ đạo tiến hóa của chúng ở châu Á trước khi con người xuất hiện.

Những phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy các loại virus corona liên quan đến Sars đã lưu hành trong quần thể dơi ở miền tây Trung Quốc và Đông Nam Á trong hàng ngàn năm. Tuy nhiên, do sự xáo trộn rộng rãi của vật liệu di truyền, một quá trình được gọi là tái tổ hợp RNA, ở vật chủ là dơi, nên rất khó để truy tìm nguồn gốc chính xác của virus.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã chia nhỏ bản di truyền của virus thành các phần, rồi nghiên cứu cách các phần đó liên quan đến nhau và xác định tổ tiên chung gần đây nhất có thể (MRCA), một dạng virus sớm hơn mà tất cả các biến thể sau này đều tiến hóa từ đó.

MRCA của SARS-CoV-1 (gây ra Sars) có từ khoảng năm 2001, trong khi MRCA của SARS-CoV-2 (gây Covid-19) xuất hiện vào khoảng năm 2017. Phân tích về phát sinh loài cho thấy SARS-CoV-1 có khả năng bắt nguồn từ các tỉnh Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam của Trung Quốc, trong khi tổ tiên của SARS-CoV-2 có thể đã tiến hóa ở miền bắc Lào, theo nghiên cứu mới.

Miền tây Trung Quốc và miền bắc Lào nằm cách Vũ Hán (thuộc miền trung Trung Quốc), tâm chấn ban đầu của đại dịch Covid-19, khoảng 2.700 km. Tuy nhiên, phạm vi bay điển hình của loài dơi chỉ là vài km, cho thấy sự lây lan qua trung gian là con người.

“Các loại virus có họ hàng gần nhất với virus corona Sars ban đầu được tìm thấy ở cầy hương và chó gấu mèo ở miền nam Trung Quốc, cách quần thể dơi là nguồn gốc của chúng hàng trăm km”, tác giả nghiên cứu Michael Worobey, trưởng khoa sinh thái học và sinh học tiến hóa của Đại học Arizona (Mỹ), cho hay.

Điều này ủng hộ giả thuyết rằng các mạng lưới buôn bán động vật hoang dã, chứ không phải sự di cư tự nhiên của động vật, đã tạo điều kiện cho sự lây truyền virus đến các trung tâm đô thị.

Tình báo Đức nhận định gì về về nguồn gốc đại dịch Covid-19?

Nghiên cứu mới được công bố sau khi Nhà Trắng ra mắt trang web về Covid-19, trong đó nói rằng SARS-CoV-2 – virus gây Covid-19, xuất phát từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.

Trong sách trắng về đại dịch Covid-19, được Tân Hoa xã đăng ngày 30.4, Trung Quốc nhấn mạnh rằng một nghiên cứu chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung Quốc đã kết luận rằng khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.