Thi đua làm giàu

Thi đua làm giàu

bởi

trong

Gần 20 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông, chúng tôi, những học sinh của một trường chuyên, hầu hết đều lựa chọn làm việc cho các tổ chức, có thể là một cơ quan Nhà nước hay một công ty, một tập đoàn nước ngoài… Trong hàng trăm học sinh cũ cùng khóa, số người khởi nghiệp, lập công ty riêng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tương tự bạn học đại học của tôi cũng không nhiều người mở doanh nghiệp, dù chúng tôi được đào tạo bài bản về kinh tế.

Bản thân tôi cũng từng ấp ủ những giấc mơ tuổi trẻ, làm một điều gì đó riêng có ý nghĩa, nhưng từ ý tưởng đến hiện thực là cả một khoảng cách rất lớn. Tôi cũng có thời điểm góp vốn kinh doanh và đầu tư, thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều. Tôi nhận thấy, để bắt đầu một kế hoạch đã khó, để duy trì, theo đuổi còn khó gấp vạn lần.

Thi đua làm giàu

Cầu Nhật Tân dẫn vào trung tâm thành phố Hà Nội (Ảnh minh họa: DT)

Khởi nghiệp thành công cần nhiều yếu tố, từ ý tưởng, tiền vốn, cộng sự, thị trường, khả năng quản trị cho đến may mắn… Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân, nếu xã hội thiếu vắng những người dám dấn thân, dám đương đầu thách thức để khởi nghiệp, làm giàu thì làm sao chúng ta có đội ngũ đông đảo những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, làm sao để đạt được mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế trong 5 năm tới (hiện nay Việt Nam có chưa tới 1 triệu doanh nghiệp).

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW vào sáng 18/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra một thông điệp đặc biệt quan trọng: Chính phủ sẽ phát động phong trào thi đua toàn dân làm giàu, đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thông điệp này một lần nữa khẳng định rõ ràng rằng khát vọng vươn lên làm giàu một cách chân chính của mỗi cá nhân là hoàn toàn chính đáng. Hơn nữa, như TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) đã nhận định, đây còn là sự phá vỡ một định kiến tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam suốt nhiều năm: tư tưởng coi nghèo khó mới là trong sạch, còn giàu có thì gắn liền với sự tha hóa hay bóc lột.

Tư tưởng hoài nghi người giàu trong một thời gian dài đã khiến nhiều người có động lực làm giàu chân chính phải tự giấu mình. Giờ đây, việc Thủ tướng tuyên bố “thi đua làm giàu” là hành động yêu nước đã khẳng định mạnh mẽ sự chính danh cho những nỗ lực phát triển cá nhân.

Một doanh nhân thành đạt, giàu có một cách chính đáng và đúng pháp luật không chỉ tạo dựng cuộc sống sung túc cho bản thân và gia đình, mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Thông qua các hoạt động kinh doanh, họ góp phần tạo việc làm ổn định, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động, và đồng thời đóng thuế, xây dựng nền kinh tế đất nước.

Trước hết, doanh nhân thành đạt tạo ra giá trị không chỉ cho riêng bản thân mà còn cho cộng đồng. Khi doanh nghiệp phát triển, nhu cầu tuyển dụng nhân sự tăng lên, kéo theo đó là cơ hội việc làm mở ra cho nhiều người. Một công ty phát triển tốt có thể cung cấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn vị trí việc làm, giúp người lao động có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống và đảm bảo tương lai cho gia đình họ.

Hơn nữa, doanh nhân giàu có không chỉ trực tiếp tạo ra việc làm mà còn gián tiếp kích thích sự phát triển của nhiều ngành nghề khác như vận tải, dịch vụ, thương mại, giáo dục, và y tế. Khi người lao động có thu nhập ổn định, họ sẽ gia tăng chi tiêu, từ đó thúc đẩy các lĩnh vực khác trong nền kinh tế phát triển theo, tạo thành một vòng xoáy tích cực giúp toàn xã hội phát triển.

Đồng thời, việc các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ cũng làm tăng nguồn thu thuế cho ngân sách nhà nước. Những khoản thuế này là nguồn lực quan trọng để nhà nước đầu tư vào các chương trình xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh vai trò kinh tế, những doanh nhân thành đạt cũng thường đi đầu trong các hoạt động từ thiện, thể hiện trách nhiệm xã hội. Họ dùng ảnh hưởng và nguồn lực của mình để hỗ trợ cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết và xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái.

Tham khảo từ các nước ở châu Á, Trung Quốc và Hàn Quốc đã có nhiều chính sách tạo môi trường thuận lợi cho người dân làm giàu. Tại Trung Quốc, các chương trình khuyến khích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tạo ra sự bùng nổ về khởi nghiệp. Đặc biệt, các khu công nghệ cao như Thâm Quyến là những minh chứng sống động cho hiệu quả từ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của chính phủ nước này.

Tương tự, Hàn Quốc cũng chú trọng đến đổi mới công nghệ, đầu tư vào giáo dục, và hỗ trợ toàn diện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup). Chính phủ Hàn Quốc đã tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm lớn và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc để doanh nghiệp phát triển thuận lợi.

Tuy nhiên, khuyến khích làm giàu không đồng nghĩa với việc thỏa hiệp hay dung túng những hành vi kinh doanh bất chính. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong 4 tháng đầu năm, mỗi tháng gần 22.500 doanh nghiệp mới ra đời, nhưng đồng thời cũng có 24.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Điều này thể hiện rõ sự cạnh tranh khắc nghiệt, sự đào thải liên tục và những khó khăn lớn lao trong hành trình làm giàu chân chính. Thực tế cho thấy Việt Nam chỉ có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tính đến tháng 10/2024, một con số khá khiêm tốn và minh chứng rõ ràng rằng, kinh doanh và làm giàu hợp pháp chưa bao giờ dễ dàng.

Chính vì vậy, song song với việc động viên và hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp tạo ra giá trị tích cực cho xã hội, cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật. Ranh giới giữa vi phạm hành chính và vi phạm hình sự cần được xác định rõ ràng, không để các hành vi gian lận, lừa dối, làm tổn hại người tiêu dùng tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào.

Vụ việc hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố mới đây là một lời cảnh báo sâu sắc về hậu quả của việc làm giàu bất chấp luật pháp.

Sự kiện này càng đáng tiếc hơn bởi Thùy Tiên từng được yêu mến vì nghị lực vượt khó, trở thành người Việt đầu tiên giành danh hiệu Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho giới trẻ. Tuy nhiên, như lời khai của chính cô, khi danh vọng gắn liền với lợi ích kinh tế lớn, trách nhiệm của người nổi tiếng càng phải được nâng cao. Trong thời đại mạng xã hội, nguồn thu nhập từ quảng cáo, đại diện thương hiệu là rất lớn, nếu Thùy Tiên tiếp tục con đường kiếm tiền chân chính, giữ gìn hình ảnh đẹp như đã từng thể hiện, dù có thể không “giàu nhanh”, chắc chắn cô sẽ có một tương lai rộng mở và bền vững hơn.

Tôi nghĩ rằng, sau cú vấp ngã của Thùy Tiên, những người trẻ với khát vọng vươn lên làm giàu ít nhiều sẽ có định hướng tốt hơn cho con đường khởi sự, không vì vậy mà lo ngại rủi ro pháp lý. Một kế hoạch kinh doanh, chưa khẳng định có khả thi hay không, nhưng ngay từ đầu cần xuất phát từ một mục tiêu tốt đẹp và có tinh thần tuân thủ luật pháp.

Thông điệp “thi đua làm giàu” chính là lời kêu gọi mạnh mẽ để toàn xã hội cùng đồng lòng xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, phát triển bền vững và văn minh. Đây không chỉ là khát vọng cá nhân mà còn là trách nhiệm, là sự đóng góp thiết thực cho sự hùng cường của đất nước.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog – Tâm điểm từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!