
Thanh tra Bộ GD-ĐT nêu các vi phạm về hoạt động tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH với Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM
ảnh: đăng nguyên
Đó là một phần trong kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ GD-ĐT về hoạt động tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH với Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM. Bên cạnh những mặt đạt được, kết luận nêu những hạn chế, thiếu sót và vi phạm của trường tập trung vào các nhóm vấn đề: ban hành văn bản theo thẩm quyền của trường, xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh, quản lý tổ chức đào tạo.
Diện tích sàn xây dựng khai báo không trùng khớp
Đáng chú ý là vi phạm của trường liên quan đến xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh. Việc xác định chỉ tiêu ĐH chính quy năm 2023 tăng so với năm 2022 không vượt năng lực nhưng không phù hợp với quy định tại điểm b khoản 4 điều 4 Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT do trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định.
Diện tích sàn xây dựng khai báo trong xác định chỉ tiêu 2023 (4.282,4 m²) và diện tích sàn theo báo cáo thống kê cơ sở vật chất năm 2024 của trường (tổng diện tích sàn là 3.832,4 m² không bao gồm ký túc xá) là không trùng khớp; chưa có cơ sở đối chiếu do năm 2022 và 2023 trường không thực hiện cải tạo, xây dựng các hạng mục công trình; không có minh chứng về sự thay đổi các tiêu chí cơ sở vật chất.
Về tuyển sinh liên thông năm 2023, chưa có quyết định kèm biên bản họp của hội đồng tuyển sinh về việc phê duyệt thí sinh phải học các môn chuyển đổi đối với từng đối tượng. Phiếu chấm điểm lớp học chuyển đổi chuyên ngành đạo diễn điện ảnh, môn học phân tích tác phẩm điện ảnh thiếu chữ ký của 3 thí sinh; môn công tác diễn viên thiếu chữ ký của giám thị và 3 thí sinh.
Cả 4 ngành không có đủ số lượng tiến sĩ có chuyên môn phù hợp
Về quản lý tổ chức đào tạo, trường chưa thực hiện rà soát, đánh giá, cập nhật chương trình đào tạo theo điều 19 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT đối với các ngành: đào tạo chính quy ngành quay phim; 2 chương trình liên thông CĐ – ĐH chính quy ngành đạo diễn sân khấu; ngành đạo diễn điện ảnh, truyền hình; 2 chương trình ĐH vừa làm vừa học ngành đạo diễn sân khấu; ngành đạo diễn điện ảnh, truyền hình.
Đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo của trường chưa bảo đảm quy định tại điểm b, c, khoản 2, điều 10 Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT. Cụ thể, đoàn thanh tra đã kiểm tra đội ngũ của 4 chương trình trình độ ĐH. Trường có đủ số lượng giảng viên để đảm bảo tỷ lệ sinh viên trên giảng viên theo quy định 15 sinh viên chính quy/giảng viên (tỷ lệ này ở trường là 12 sinh viên/giảng viên). Trong đó, ngành diễn viên kịch, điện ảnh – truyền hình có 1 PGS – TS; ngành đạo diễn điện ảnh, truyền hình có 1 tiến sĩ để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Các ngành (đạo diễn sân khấu, quay phim) không có tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Cả 4 ngành không có đủ số lượng tiến sĩ có chuyên môn phù hợp là giảng viên cơ hữu để chủ trì giảng dạy chương trình. Trường chủ yếu bố trí giảng viên có trình độ thạc sĩ và cử nhân để chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, chủ trì giảng dạy chương trình.
Trường chưa thành lập hội đồng thẩm định và tổ chức việc thẩm định trước khi lựa chọn, phê duyệt giáo trình, tài liệu để giảng dạy theo quy định tại điều 13 Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT mà giao cho Hội đồng Khoa học và Đào tạo cấp khoa và cấp trường thẩm định lựa chọn tài liệu, giáo trình.
Yêu cầu báo cáo kết quả khắc phục, kiến nghị sau 60 ngày
Với vi phạm trên, đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không đảm bảo điều kiện có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ ĐH của ngành khác; có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy ĐH tối thiểu 3 năm trở lên chịu trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo ngành đạo diễn sân khấu và quay phim.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ GD-ĐT đề nghị Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM khẩn trương đổi mới công tác quản lý, quản trị; có giải pháp bổ sung đội ngũ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực đặc thù là văn hóa, nghệ thuật.
Về xác định chỉ tiêu và tổ chức tuyển sinh, cần rà soát những hạn chế, thiếu sót trong đề án tuyển sinh năm 2022, 2023 để xây dựng đề án tuyển sinh hằng năm, bảo đảm đúng quy định và rõ ràng, đầy đủ các nội dung chủ yếu của đề án quy định. Việc khai báo diện tích sàn xây dựng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải chính xác, khách quan, thực chất bảo đảm đánh giá đúng năng lực cơ sở vật chất của trường trong tuyển sinh, đào tạo. Rà soát việc xác định năng lực đào tạo trong đề án tuyển sinh các năm tiếp theo, bảo đảm xác định chỉ tiêu đúng với năng lực đào tạo của trường và tổ chức tuyển sinh đúng chỉ tiêu năng lực đã xác định và công bố trong đề án tuyển sinh.
Về quản lý tổ chức đào tạo, trường cần triển khai thực hiện kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Rà soát, khắc phục thiếu sót, vi phạm trong việc không bảo đảm đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo theo quy định. Trên cơ sở đó, báo cáo Bộ GD-ĐT và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả khắc phục hoặc kiến nghị, đề xuất (nếu có) sau 60 ngày kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra.