
Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Hà Lập Phong – Ảnh: REUTERS
Trong khuôn khổ cuộc đàm phán cấp cao kéo dài hai ngày 10 và 11-5 tại Geneva (Thụy Sĩ), phái đoàn Trung Quốc do Phó thủ tướng Quốc vụ viện Hà Lập Phong dẫn đầu và phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cùng Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer đại diện đàm phán đã đạt được một số thỏa thuận nhằm giảm căng thẳng thương mại song phương.
3 đặc điểm chính của thỏa thuận
Theo tuyên bố chung được Bộ Thương mại Trung Quốc công bố chiều 12-5, phía Mỹ cam kết dỡ bỏ 91 điểm % trong tổng mức thuế bổ sung 125% áp lên hàng hóa Trung Quốc ban hành sau ngày 2-4 (không tính mức thuế 20% mà chính quyền Tổng thống Trump đã đơn phương áp lên hàng hóa Trung Quốc vào đầu nhiệm kỳ).
Đồng thời Mỹ sẽ tạm đình chỉ thực thi 24 điểm phần trăm trong mức thuế đối ứng 34% còn lại trong vòng 90 ngày.
Phía Trung Quốc cũng đưa ra phản ứng tương xứng, tuyên bố sẽ hủy bỏ 91 điểm phần trăm trong tổng mức thuế trả đũa 125%, sẽ tạm đình chỉ 24 điểm phần trăm trong mức thuế trả đũa 34% còn lại trong cùng khoảng thời gian.
Ngay sau khi tuyên bố chung được công bố, phía Bắc Kinh đã khẳng định kết quả đạt được là phù hợp với lợi ích của cả hai nền kinh tế và có thể góp phần tích cực vào ổn định thương mại toàn cầu.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc, trong đó có nền tảng Yuyuan Tantian trực thuộc Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), chiều cùng ngày đã nhấn mạnh ba đặc điểm chính của cuộc đàm phán lần này, bao gồm “thẳng thắn”, “sâu sắc” và “mang tính xây dựng”.
Theo diễn giải từ bài viết đăng tải trên nền tảng này, “thẳng thắn” thể hiện việc hai bên đã thảo luận những gì nên thảo luận, “sâu sắc” thể hiện việc hai bên đã thảo luận những gì phải thảo luận, trong khi “mang tính xây dựng” phản ánh đánh giá tích cực của cả hai phía đối với tiến trình đối thoại.
Nhận định với Yuyuan Tantian về lý do khiến đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đạt được tiến triển nhanh chóng, theo phân tích của ông La Chấn Hưng – trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Mỹ, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc là xuất phát từ hai yếu tố chính.
Theo ông La, yếu tố đầu tiên là phản ứng cứng rắn của Trung Quốc trước các mức thuế cao mà Mỹ áp đặt trong tháng 4, dẫn đến việc cả hai bên liên tiếp gia tăng thuế quan lên mức được xem là “mang tính chất cấm vận”, gây ra những tác động tức thì và rõ rệt đối với cả hai nền kinh tế.
Thứ hai là kinh nghiệm được tích lũy từ vòng đối đầu thương mại trước đây của Trung Quốc và Mỹ đã giúp hai nước hiểu rõ điều đối phương thực sự mong muốn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liêu Mân; Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong; thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Lý Thành Cương trong cuộc họp báo sau đàm phán thuế quan với phái đoàn Mỹ vào chiều 11-5 (giờ địa phương) – Ảnh: XINHUA
Đại diện Trung Quốc đánh giá tích cực
Tại cuộc họp báo do phái đoàn Trung Quốc tổ chức vào tối 11-5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Lý Thành Cương, mô tả cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn Trung – Mỹ là “chuyên nghiệp, hiệu quả, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.
Theo ông Lý, Trung Quốc và Mỹ đã tận dụng tốt thời gian ngắn để trao đổi sâu sắc về các lĩnh vực then chốt trong hợp tác kinh tế – thương mại.
Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 12-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm, cũng khẳng định lập trường lâu dài của Trung Quốc trong việc giải quyết các bất đồng thương mại thông qua đối thoại trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Trước câu hỏi về mức độ hài lòng của Trung Quốc đối với kết quả đàm phán thuế quan giai đoạn đầu, ông Lâm không đưa ra đánh giá cụ thể hay định lượng, song nhấn mạnh rằng những nội dung trọng yếu đã được nêu rõ trong tuyên bố chung giữa hai bên, điều này gián tiếp cho thấy Bắc Kinh coi kết quả của đàm phán lần này là một bước tiến tích cực.