Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, khoảng 19 giờ ngày 4.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 118,3 độ kinh đông trên vùng biển phía bắc Biển Đông. Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 – 61 km/giờ), giật cấp 9; di chuyển chậm theo hướng tây với tốc độ 5 – 10 km/giờ.

Bản đồ đường đi của áp thấp nhiệt đới
ẢNH: NCHMF
Trong 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 5 – 10 km và khả năng mạnh lên thành bão – cơn bão số 2 năm 2025.
Đến 19 giờ ngày 5.7, vị trí bão số 2 ở vào khoảng 20,9 độ vĩ bắc; 117,4 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc Biển Đông. Bão mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 11.
Khoảng 19 giờ ngày 6.7, bão số 2 ở vào khoảng 22,7 độ vĩ bắc; 118,3 độ kinh đông trên vùng biển phía đông bắc Biển Đông. Bão mạnh cấp 10, giật cấp 12, di chuyển theo hướng đông đông bắc, mỗi giờ đi được 10 km và tiếp tục mạnh thêm.
Từ 48 – 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng bắc đông bắc với tốc độ khoảng 20 km/giờ, cường độ ít thay đổi.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh thành bão số 2, vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông có mưa giông và gió mạnh cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, giật cấp 11, biển động rất mạnh. Sóng biển cao 3 – 5 m.
Ngoài ra, vùng biển từ Khánh Hòa – Cà Mau cũng có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2 – 4 m, biển động.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh trên biển cấp 2, riêng vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông cấp 3. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.