Thú chơi ngựa của giới nhà giàu Mỹ

Thú chơi ngựa của giới nhà giàu Mỹ

bởi

trong

Khi mọi người đổ về trường đua theo dõi giải Kentucky Derby 151 đầu tháng 5, một nhóm khách VIP ngồi trong những căn hộ sang trọng sát vạch đích.

Steven Mason, phó chủ tịch cấp cao của Bank of America, là một trong số khách VIP đó. Ông đứng bên cạnh các khách hàng siêu giàu của mình, những người không chỉ đam mê ngựa mà còn coi đó là một phần trong danh mục tài sản cá nhân.

Kentucky Derby được xem là đỉnh cao của đua ngựa. Đây là sân chơi thu hút hàng nghìn người nổi tiếng, chính trị gia và người dân địa phương từ năm 1875.

“Cưỡi ngựa là một phần trong con người họ”, Mason nói. Xuất thân từ Kentucky, ông đã quen với văn hóa đua ngựa từ nhỏ. Khi chuyển đến Nashville, Tennessee, ông mua một trang trại nhỏ để hai con gái có thể tiếp xúc với thú vui mà ông xem là vừa truyền thống, vừa đậm chất đầu tư.

Nhiều khách hàng của Mason cũng lớn lên với niềm đam mê ngựa như thế. Nhưng nay, nhiều doanh nhân mới nổi, đặc biệt sau khi bán công ty hoặc thành công với các quỹ đầu cơ, mới lần đầu trở thành chủ sở hữu ngựa.

“Ngựa là khoản đầu tư không thanh khoản với khả năng sinh lời rất không chắc chắn”, Mason thừa nhận. “Nhưng đổi lại, bạn sẽ có những trải nghiệm khó quên”.

Chi phí nuôi dưỡng một chú ngựa đua có thể lên tới 60.000 USD mỗi năm. Những con ngựa thuần chủng tốt có thể sống tới 30 năm, nghĩa là chủ nhân phải trả một số tiền khổng lồ.





Thú chơi ngựa của giới nhà giàu Mỹ

Giải đua ngựa lần thứ 150 tại Churchill Downs, Mỹ, năm 2024. Ảnh: CNBC

Không giống các tài sản xa xỉ như máy bay hay du thuyền, ngựa không thể được thế chấp để vay vốn. Các ngân hàng không muốn nhận thế chấp là một sinh vật đang thở. ”Nếu con ngựa gặp chuyện gì, bạn sẽ thành người đi vay không tài sản đảm bảo”, Mason giải thích.

Nhưng chơi ngựa cũng có thể mang về lợi ích tài chính. Theo Mason, những con ngựa đua hàng đầu có thể thu về 300.000 USD mỗi lần phối giống, với 30-40 lần mỗi mùa.





Steven Mason và vợ con tại trường đua ngựa năm 2024. Ảnh: CNBC

Steven Mason và vợ con tại trường đua ngựa năm 2024. Ảnh: CNBC

Với giới siêu giàu, đầu tư vào ngựa không đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận. Đó là cách sống, là biểu tượng của địa vị và đôi khi là cầu nối giữa con người với những giá trị truyền thống đang dần mai một.

Mason không chỉ là người cố vấn tài chính. Ông thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện đua ngựa cùng khách hàng, không chỉ để theo dõi mà còn để thấu hiểu họ như một người chung đam mê.

“Khi chúng tôi ngồi cạnh họ ở trường đua hay trang trại, chứ không phải chỉ trong văn phòng, mối quan hệ gắn bó sâu sắc hơn rất nhiều”, ông nói.

Dù đua ngựa không còn phổ biến nhưng việc mua bán ngựa vẫn còn sức hút. Năm ngoái, cuộc đấu giá ngựa một tuổi tại nhà đấu giá Keeneland đạt kỷ lục 428 triệu USD, với giá trung bình mỗi con hơn 150.000 USD.

Những con ngựa tốt nhất có thể được mua với giá hàng triệu USD.

Nhật Minh (theo CNBC)