
Chị Nhậm năm nay 35 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông thôn ở Hà Nam. Chị đã bỏ học từ khi chưa học xong cấp hai để đi làm thuê – Ảnh: 163.com
Bên dưới lớp vỏ hào nhoáng của thu nhập cao và cuộc sống đô thị, nhiều người trẻ vẫn đối mặt với những khủng hoảng âm thầm. Câu chuyện của chị Nhậm tại Bắc Kinh cho thấy cái giá đắt đỏ của việc theo đuổi vẻ đẹp ngoại hình mà quên đi những nền tảng vững chắc cho cuộc sống lâu dài.
Vòng xoáy ngoại hình và tiêu dùng
Câu chuyện của chị Nhậm, 35 tuổi, được chia sẻ trên tờ Hải Báo Tân Văn và được nhiều nền tảng tin tức như Sina News, Sohu News dẫn lại. Đã có lúc thông tin này đứng đầu top tin tức được đọc nhiều nhất trên Sina.
Sinh ra tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), chị Nhậm đã lập nghiệp ở Bắc Kinh hơn mười năm qua với thu nhập khoảng 50.000 tệ mỗi tháng (tương đương 175 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau ngần ấy thời gian, chị chỉ tiết kiệm được 100.000 tệ (khoảng 350 triệu đồng), do đã chi hơn 800.000 tệ (khoảng 2,8 tỉ đồng), chiếm gần 14% tổng thu nhập, cho phẫu thuật thẩm mỹ.
Dù đầu tư lớn vào ngoại hình, kết quả đạt được không như mong đợi. Những vấn đề về sức khỏe và hình ảnh cá nhân bị tổn hại càng khiến tình trạng tài chính của chị thêm khó khăn, trong khi bạn bè cùng trang lứa nhờ sống tiết kiệm đã tích lũy được hàng triệu nhân dân tệ.
Sự theo đuổi vẻ đẹp ngoại hình đẩy chị Nhậm vào vòng luẩn quẩn: càng phẫu thuật càng bất an. Phẫu thuật thẩm mỹ, vốn chứa đựng rủi ro tích lũy và tính không thể đảo ngược, lại bị che lấp bởi môi trường xã hội đề cao giá trị ngoại hình.
Mặc dù vậy, chị Nhậm vẫn có ý định tiếp tục phẫu thuật thẩm mỹ. Đồng thời chị cũng đang cân nhắc việc mua bất động sản, hy vọng có thể thực hiện giấc mơ sở hữu nhà của mình.
Trong nhóm những người có thu nhập cao nhưng tiết kiệm thấp, sự khác biệt tiêu dùng theo giới càng trở nên rõ rệt: nam giới thường nghèo đi vì thất bại đầu tư, trong khi nữ giới dễ sa vào bẫy tiêu dùng được ngụy trang dưới danh nghĩa “nâng cấp bản thân”.

Sau khi phẫu thuật thẩm mỹ thất bại, chị Nhậm còn bị bạn trai cũ đề nghị chia tay. Trong thời gian yêu nhau, bạn trai chị không có việc làm, mọi chi phí sinh hoạt đều do chị gánh vác. Chị còn dùng tiền để mua xe máy và đầu tư mở cửa hàng cho bạn trai – Ảnh: 163.com
Lựa chọn sống: hưởng thụ hay hoạch định
Câu chuyện của chị Nhậm phản ánh sự va chạm giữa hai triết lý: “sống cho hiện tại” hay “trì hoãn thỏa mãn”. Một bên xem việc tận hưởng dịch vụ làm đẹp hay mua nhà là lựa chọn cá nhân; bên kia nhấn mạnh sự cần thiết của quản lý tài chính và xây dựng nền tảng bền vững cho tương lai.
Sau 35 tuổi, khi giá trị ngoại hình suy giảm theo thời gian, những năng lực mềm như giao tiếp, sáng tạo, và khả năng thích ứng mới trở thành yếu tố then chốt cho sự nghiệp.
Chị Nhậm đã không tích lũy được tài sản, lại tổn thất sức khỏe và giảm năng lực cạnh tranh, trở thành điển hình của nhóm lao động trẻ thiếu mục tiêu dài hạn rõ ràng.

Sau hơn mười năm nỗ lực ở Bắc Kinh, chị Nhậm đã mở một cửa hàng trà sữa, với thu nhập bình quân khoảng 50.000 tệ mỗi tháng – Ảnh: 163.com
Trong các thảo luận trên diễn đàn Sina, các chuyên gia cho rằng để tránh rơi vào bế tắc, người thu nhập cao cần xây dựng “tường lửa” tài chính bằng việc lập quỹ khẩn cấp, mua bảo hiểm và quản lý chi tiêu có phân cấp, phân biệt giữa tiêu dùng phục vụ hạnh phúc và tiêu dùng gây nghiện.
Giải pháp dài hạn là hướng nội: tập trung nâng cao năng lực bản thân, sử dụng tư vấn tâm lý để chữa lành tổn thương tinh thần thay vì lấp đầy khoảng trống bằng vật chất. Một cuộc sống vững chắc được xây dựng từ nền tảng nội lực, chứ không phải từ những cuộc phẫu thuật thay đổi bề ngoài.