‘Thu nhập 25 triệu đồng không dám mơ mua được nhà ở xã hội’

‘Thu nhập 25 triệu đồng không dám mơ mua được nhà ở xã hội’

bởi

trong
‘Thu nhập 25 triệu đồng không dám mơ mua được nhà ở xã hội’

‘Nhà tôi thuộc diện thu nhập quá cao để được mua nhà ở xã hội. Điều đó là một bất cập rất lớn’.

“Tôi biết có một số dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội hiện nay đang được mua đi bán lại với giá khoảng 60 triệu đồng một m2. Nghĩa là người có thu nhập 25 triệu đồng một tháng như tôi thì chắc phải tích góp nhiều năm mới mua nổi. Thậm chí, có khi dành dụm cả đời tôi cũng chẳng mua nổi vì giá nhà đang tăng nhanh hơn lương 2,5 lần”.

Đó là chia sẻ của độc giả về . Nhà xã hội là loại nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm cung cấp căn hộ giá rẻ cho một số nhóm được ưu tiên. Tuy nhiên, nhìn vào thị trường bất động sản và mức tiền lương cũng như chi phí tiêu dùng tăng liên tục thì hy vọng sở hữu nhà xã hội đối với nhiều người lao động vẫn rất xa vời. Cùng với đó, tiêu chí, quy trình, thủ tục được xét duyệt đưa ra cũng được cho là không dành cho những người có mức thu nhập thấp. Nhiều người muốn đăng ký nhưng đành từ bỏ vì không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật.

Đồng quan điểm, bạn đọc cho rằng: “Nhà ở xã hội nên hiểu là căn nhà có tối thiểu một hoặc hai phòng ngủ, có diện tích tối thiểu từ trên 50 m2. Giá trị căn nhà bao gồm lương bình quân của một công nhân (chưa trừ chi phí ăn uống, sinh hoạt) được dồn tích góp 10 năm sẽ mua được. Chứ giờ giá nhà ở xã hội quá cao, công nhân không mua nổi.

Ngoài ra, người mua nhà ở xã hội cũng sẽ không được bán hay chuyển nhượng cho người khác (ngoại trừ bán lại cho tổ chức do nhà nước chỉ định thu mua nhưng tính đến yếu tố trượt giá và căn hộ đó sẽ được bán lại giá rất hợp lý cho người tiếp theo. Tất nhiên, mỗi người chỉ được mua một căn duy nhất và chưa đứng tên bất kỳ tài sản nhà ở nào khác tỉnh. Tóm lại, cần làm sao để ai cố gắng cũng sẽ có cơ hội mua được một căn”.

>>

Bên cạnh giá nhà ở xã hội quá cao, độc giả còn chỉ ra một bất cập khác liên quan đến điều kiện thu nhập để được mua nhà ở xã hội: “Hai vợ chồng tôi có hai con nhỏ, tổng thu nhập 35 triệu đồng một tháng ở thủ đô Hà Nội (có tháng ít hơn nhưng vẫn trên 30 triệu). Ấy thế, sau khi trừ chi phí thuê nhà, ăn uống, cho con đi học, chúng tôi cũng phải rất chật vật với cuộc sống. Bản thân tôi mong muốn mua được nhà ở xã hội nhưng quy định hiện yêu cầu tổng thu nhập hai vợ chồng phải dưới 30 triệu đồng một tháng. Thành ra, nhà tôi thuộc diện thu nhập quá cao để được mua nhà ở xã hội. Điều đó là một bất cập rất lớn”.

Mong mỏi những điều chỉnh để nhà ở xã hội dễ tiếp cận và phục vụ đúng nhóm đối tượng, bạn đọc bình luận: “Cần rà soát lại tất cả các nhà ở xã hội hiện nay xem có đang phục vụ đúng đối tượng không? Sau khi tổng hợp danh sách, cơ quan quản lý cũng cần lên phương án thu hồi các căn không đúng đối tượng hoặc sử dụng sai mục đích, sau đó tiến hành phân bổ lại cho phù hợp. Tiến tới, chúng ta cần số hóa việc đăng ký và xét duyệt hồ sơ, hạn chế người tham gia trực tiếp khâu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ để đảm bảo công bằng, minh bạch”.

Trong khi đó, nói về giải pháp hạn chế những bất cập của nhà ở xã hội, độc giả nhấn mạnh: “Theo tôi, nhà xã hội chỉ nên xây cho thuê và giao cho xã, phường ở khu vực đó lập ra Ban quản lý để vận hành thu tiền thuê và phí quản lý hàng tháng. Sau khi người có nhu cầu thuê được 5 năm trở lên thì mới bắt đầu xem xét cho mua.

Tất nhiên, lúc đó việc xét duyệt cho mua ngoài việc chứng minh các điều kiện thu nhập thì cũng phải có điều kiện là đã thuê ở thật sự ở đó từ 5 năm trở lên rồi. Như vậy, chúng ta sẽ tránh được tình trạng nhà xã hội được bán cho không đúng đối tượng. Chỉ có như vậy, những cặp vợ chồng trẻ mới có đủ điều kiện để tích lũy, không bị làm khó về chuyện nhà ở”.

Bộ Chính trị vừa có yêu cầu Đảng ủy Chính phủ nghiên cứu, tham mưu thể chế hóa Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội theo hướng mở rộng diện được mua, thuê. Trước đó hồi tháng 5, Quốc hội cho phép các tỉnh, thành xây dựng tiêu chí phù hợp thực tiễn địa phương để xét duyệt người được mua, thuê mua .

Theo đó, người chưa có nhà ở, người có nhà nhưng ở xa nơi làm việc, hoặc chưa từng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, sẽ do UBND cấp tỉnh xác định tiêu chí chi tiết để xét duyệt. Việc này nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thực tế khi nhiều người lao động đang làm việc tại đô thị hoặc khu công nghiệp nhưng có nhà ở tại nông thôn, không đủ điều kiện do đã sở hữu nhà trong cùng tỉnh.

Lê Phạm tổng hợp