Thử thách khó nhất của hàng thủ U.23 Việt Nam: Không phải đối thủ mạnh, mà là…

Thử thách khó nhất của hàng thủ U.23 Việt Nam: Không phải đối thủ mạnh, mà là…

bởi

trong

Khi trung vệ U.23 Việt Nam phải tham gia triển khai bóng

Câu chuyện hậu vệ phòng ngự, tiền vệ giữ nhịp hay tiền đạo ghi bàn… đã trở thành quá khứ. Bóng đá hiện đại yêu cầu tính liền mạch và đồng bộ, khi hậu vệ phải tham gia triển khai bóng, thậm chí tham gia tấn công, còn tiền đạo phải hỗ trợ phòng ngự bằng cách đeo bám và pressing… Bởi vậy, các cầu thủ phải phát triển kỹ năng toàn diện hơn. U.23 Việt Nam của HLV Kim Sang-sik không phải ngoại lệ.

Giai đoạn thăng hoa dưới thời HLV Park Hang-seo đánh dấu đóng góp quan trọng của các hậu vệ, khi không những phòng ngự chắc chắn (luôn giữ sạch lưới đều đặn), mà còn in dấu giày trên mặt trận tấn công. Ông Park có những “lá chắn” hàng thủ như Văn Hậu, Thành Chung mắn bàn không kém tiền đạo. Tuy nhiên, chủ yếu các hậu vệ ghi dấu ấn bằng cách đẩy cao để gây áp lực và ghi bàn.

Thử thách khó nhất của hàng thủ U.23 Việt Nam: Không phải đối thủ mạnh, mà là…

U.23 Việt Nam miệt mài rèn quân

ẢNH: ĐỒNG NGUYÊN KHANG

Hậu vệ Việt Nam xưa nay chủ yếu chuyền bóng bằng những cú phất dài vượt tuyến. Triết lý triển khai bóng từ hàng thủ chỉ được đánh thức khi HLV Philippe Troussier xuất hiện. Dù U.23 Việt Nam của ông Troussier không thành công, nhưng không thể phủ nhận, đó là xu thế tất yếu. Chỉ khi hàng thủ tự tin cầm bóng ban bật để thoát pressing và triển khai bóng lên tuyến trên nhịp nhàng, thay vì chuyền những đường dài vu vơ… U.23 Việt Nam mới có thể hình thành lối chơi rõ ràng.

Nhất là khi, đội hình của U.23 Việt Nam không có một chân sút cao to và toàn năng như Xuân Son để tận dụng hiệu quả những đường chuyền dài. Dàn tiền đạo trong tay ông Kim Sang-sik với Văn Trường, Đình Bắc, Ngọc Mỹ hay Thanh Nhàn cũng không giỏi chơi bóng ở thế quay lưng với cầu môn đối thủ, để làm tường nhả lại tuyến hai.

HLV Kim Sang-sik công bố danh sách rút gọn U.23 Việt Nam: Việt kiều trẻ góp mặt

Bài toán khó giải

Tuy nhiên, cái khó của HLV Kim Sang-sik là các trung vệ U.23 Việt Nam chưa được làm quen với đấu pháp này ở cấp CLB. 

Dù giáo án huấn luyện trong mọi hệ thống đào tạo trẻ ở Việt Nam đều khuyến khích các hậu vệ trẻ phát triển kỹ năng chơi chân, tức là chuyền và phối hợp ngắn để triển khai lối chơi, song hãy nhìn nhận thực tế: hầu hết cầu thủ khi bước lên V-League đều không có đất diễn để chơi bóng ngắn.

Sức ép thành tích, cộng với sự xuất hiện của các tiền đạo ngoại binh cao to, khiến các cận vệ trẻ thường chọn lối chơi an toàn. Đá dài, tạt bổng… trở thành con đường mòn mà nhiều thế hệ hậu vệ Việt Nam đã đi. 

Thử thách khó nhất của hàng thủ U.23 Việt Nam: Không phải đối thủ mạnh, mà là...- Ảnh 2.
Thử thách khó nhất của hàng thủ U.23 Việt Nam: Không phải đối thủ mạnh, mà là...- Ảnh 3.

Các cầu thủ được huấn luyện kỹ tư duy chuyền bóng

ẢNH: ĐỒNG NGUYÊN KHANG

Màn thể hiện của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2024 là ví dụ. Các trung vệ như Duy Mạnh, Thành Chung, Tiến Dũng chủ yếu đá bóng dài để Xuân Son tự xoay xở. Nhưng, U.23 Việt Nam không có Xuân Son để đá bóng dài hiệu quả. Đây là cái khó, nhưng cũng là cơ hội để thầy Kim chuyển dịch tư duy chơi bóng cho các cầu thủ trẻ. 

Ở độ tuổi U.23, khi tư duy vẫn còn sửa được, nhà cầm quân người Hàn Quốc đủ sức nhào nặn một hàng phòng ngự đủ kỹ thuật và bản lĩnh để kiểm soát quả bóng, điều phối lối chơi theo ý mình. 

Ở cả 2 trận giao hữu với U.23 Đài Loan, U.23 Việt Nam đều kiểm soát bóng từ hàng thủ tốt, các trung vệ phối hợp kết dính với tiền vệ để tạo ra các “tam giác” luân chuyển nhịp nhàng lên tuyến trên. Dù ông Kim vẫn yêu cầu học trò chuyền dài khi có khoảng trống để tạo miếng đánh chớp nhoáng, nhưng bóng dài không còn là phản xạ thuần túy của dàn hậu vệ.

Mỗi đường chuyền từ hàng thủ đều mang ý đồ chiến thuật rõ ràng, tạo ra sự dịch chuyển và phục vụ ý đồ chơi bóng. Đó là yêu cầu của HLV Kim Sang-sik. Khó khăn, nhưng là con đường độc đạo để U.23 Việt Nam phát triển tư duy chơi bóng.

Các trận đấu “dễ thở” với U.23 Lào và U.23 Campuchia, với sức ép từ tiền đạo đối thủ không lớn, sẽ là cơ hội để hàng thủ U.23 Việt Nam học cách tịnh tiến bóng. Để khi gặp đội mạnh hơn như U.23 Malaysia, U.23 Indonesia hay U.23 Thái Lan, Lý Đức cùng đồng đội đủ sức tự tin chơi bóng thực sự.

Tạo ra cuộc cách mạng về tư duy luôn là bài toán khó với ông Kim cùng học trò. U.23 Việt Nam đang nỗ lực chuyển mình, mà mỗi trận đấu sẽ đóng vai trò là một nấc thang tiến bộ.