Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy

bởi

trong

Trong công điện, Thủ tướng chỉ rõ: Việt Nam có hệ thống sông ngòi, với tổng chiều dài có khả năng khai thác vận tải khoảng 42.000 km, cùng đường bờ biển dài hơn 3.260 km và nhiều cửa sông, vịnh tự nhiên thuận lợi. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển – một phương thức vận tải có chi phí thấp, khả năng chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn, góp phần giảm áp lực cho đường bộ, đường sắt và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. 

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển

ẢNH: PHẠM ANH

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua, vận tải thủy từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải quốc gia. Tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa và ven biển có xu hướng ngày càng tăng, đóng góp tích cực vào hoạt động logistics và chuỗi cung ứng hàng hóa trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, do phương thức vận tải này chưa được thực sự quan tâm đầu tư, các chính sách cho phát triển kết cấu hạ tầng vận tải thủy chưa tương xứng nên kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển vận tải thủy vẫn còn bất cập; năng lực đội tàu, công tác quản lý phương tiện, chất lượng nguồn nhân lực và kết nối giữa các phương thức vận tải còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại, tạo động lực mới cho ngành vận tải thủy phát triển nhanh và bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng rất lớn, lợi thế sẵn có, giảm chi phí logistics, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước, góp phần thực hiện thành công cam kết đạt chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng hải, đường thủy, tập trung các chính sách khuyến khích, thu hút xã hội hóa đầu tư hạ tầng, phương tiện vận tải thủy, nguồn nhân lực, phát triển công nghệ; hoàn thành trong tháng 9.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm, cấp phép, quản lý phương tiện và vận tải thủy; thúc đẩy ứng dụng khoa học – công nghệ trong quản lý, điều hành khai thác. Song song, xây dựng Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và dịch vụ vận tải đường thủy nội địa giai đoạn 2026 – 2035, trong đó làm rõ sự cần thiết và học hỏi kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để kịp thời đầu tư, phát triển hạ tầng và dịch vụ vận tải đường thủy nội địa, báo cáo Thủ tướng trong tháng 10.

Bộ trưởng Bộ Tài chính được giao chủ trì cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 cho các dự án trọng điểm phát triển hạ tầng đường thủy, hàng hải; nghiên cứu đề xuất chính sách ưu đãi thuế, phí cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trên; xem xét cơ chế hỗ trợ vốn vay, tín dụng ưu đãi cho đầu tư đóng mới, cải hoán phương tiện vận tải thủy phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường…

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường rà soát đơn giản hóa thủ tục giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để phát triển hạ tầng cảng, bến thủy nội địa… theo quy hoạch; rà soát các vướng mắc, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh các quy định của pháp luật liên quan; giao Chủ tịch UBND các địa phương rà soát, bố trí quỹ đất, căn cứ các lợi thế từng địa phương chủ động đề xuất danh mục dự án hạ tầng cần tập trung phát triển…