Thuế thu nhập cá nhân: ‘Mức 35% là quá cao’

Thuế thu nhập cá nhân: ‘Mức 35% là quá cao’

bởi

trong

Theo luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế, gồm: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.

Thuế thu nhập cá nhân: ‘Mức 35% là quá cao’

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên điều chỉnh ngưỡng chịu thuế trong biểu thuế lũy tiến theo lạm phát để đảm bảo đời sống cho người nộp thuế

ẢNH: ĐAN THANH

Tại hồ sơ dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi biểu thuế lũy tiến, giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc.

Cả 2 phương án đều giữ mức thuế suất khởi điểm 5% cho thu nhập tính thuế đến 10 triệu đồng/tháng. Mức thuế suất cao nhất vẫn là 35%, phương án 1 là áp dụng cho thu nhập tính thuế từ trên 80 triệu đồng/tháng (giữ nguyên như biểu thuế hiện hành – PV), phương án 2 là áp dụng cho thu nhập tính thuế từ trên 100 triệu đồng/tháng. 

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú (Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) trăn trở, nhiều năm nay người làm công, ăn lương “còng lưng gánh thuế”. Đây vốn được coi là nhóm “có tóc”, thuế cứ chằn chặn nộp, gánh nặng rất lớn. Thuế suất cao nhất 35% cũng là quá cao.

“Từ khi luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời tới nay, CPI và GDP bình quân đầu người đã tăng nhiều lần, tại sao biểu thuế lại nằm im?”, ông Tú đặt câu hỏi và cho rằng đề xuất sửa đổi biểu thuế được Bộ Tài chính đưa ra “chưa ổn”.

“Thuế nặng nề như vậy, sao có thể thu hút người tài về làm việc, khơi thông nguồn lực, nhân lực chất lượng cao. Phải thiết kế biểu thuế làm sao để mức trung bình đánh thuế với người làm công, ăn lương khoảng 20% là ổn”, ông Tú nói.

Vị chuyên gia đề xuất biểu thuế 5 bậc với mức thuế suất như dưới đây:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất  (%)

1

Đến 30

5

2

Trên 30 đến 70

10

3

Trên 70 đến 120

15

4

Trên 120 đến 200

20

5

Trên 200

25

“Thiết kế như vậy mới phù hợp thực tiễn, đảm bảo áp dụng được lâu dài”, ông Tú nhấn mạnh.

Cần điều chỉnh ngưỡng chịu thuế theo lạm phát

Đồng tình rút gọn biểu thuế từ 7 bậc xuống 5 bậc, song ông Phan Hữu Nghị, Phó viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), cũng cho rằng, 2 phương án Bộ Tài chính đưa ra chưa hợp lý.

Các phương án Bộ Tài chính đề xuất đã bỏ đi mức thuế suất 10% và 20% – vốn là 2 bậc quan trọng trong hệ thống lũy tiến, nhưng lại giữ nguyên mức thuế cao nhất là 35%. Điều này sẽ tạo độ dốc thuế quá lớn giữa các bậc trung bình và cao.

“Biểu thuế lũy tiến cần tuân thủ nguyên tắc hệ số giãn cách nhất định, đồng thời tạo động lực làm việc cho người thu nhập cao. Mức thuế suất cao nhất nên được điều chỉnh về 25%”, ông Nghị nói.

Về biểu thuế chi tiết, ông Nghị đề xuất như sau:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 10

5

2

Trên 10 đến 30

10

3

Trên 30 đến 70

15

4

Trên 70 đến 150

20

5

Trên 150

25

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích, theo các phương án sửa đổi Bộ Tài chính đưa ra, thu nhập tính thuế chưa tới 1 tỉ đồng/năm đã phải chịu thuế suất tới 35% là quá cao, làm giảm động lực kiếm tiền. 

“Mức thu nhập như vậy ở hiện tại cũng chỉ tính là khá, chưa phải giàu. Cần xem xét thiết kế lại biểu thuế cho tương đồng với mức độ trượt giá từ khi luật Thuế thu nhập cá nhân ra đời tới nay.

Biểu thuế thu nhập cá nhân lạc hậu mà mười mấy năm mới sửa đổi. Lần này nên tính toán có cơ chế điều chỉnh ngưỡng chịu thuế trong biểu thuế lũy tiến theo lạm phát. Ví dụ, lạm phát hàng năm tăng bao nhiêu thì cứ thế điều chỉnh tương ứng, không cần đợi rất lâu để sửa luật mới làm”, ông Huân nói.

Giai đoạn 2020 – 2023, số thu thuế thu nhập cá nhân tại bậc 1, bậc 2 (mức thuế suất 5%, 10%) hằng năm khoảng gần 3.000 tỉ đồng đến hơn 4.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng gần 6%.

Số thu thuế thu nhập cá nhân tại bậc 3 (mức thuế suất 15%) hằng năm từ hơn 4.000 tỉ đồng đến hơn 6.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 7%.

Số thu thuế thu nhập cá nhân tại các bậc 4, 5, 6 (mức thuế suất 20%, 25%, 30%) hằng năm từ gần 6.000 tỉ đồng đến gần 9.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 10%.

Số thu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 (cá nhân nộp thuế ở mức cao 35%) cao nhất so với các bậc khác. Năm 2021 và 2022, mỗi năm hơn 40.000 tỉ đồng; năm 2020 và 2023, mỗi năm gần 40.000 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số thuế thu nhập cá nhân của 7 bậc.