Thực trạng hàng giả gây “nhức nhối”
Trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng trên cả nước đã xử lý hơn 40.000 vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, với tổng giá trị xử phạt lên tới 6.500 tỉ đồng. Thông tin trên được đưa ra bởi đại tá Phạm Minh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia (C12), Bộ Công an tại hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của kinh tế số Việt Nam” diễn ra sáng 8.7. Nổi cộm hiện nay vẫn là tình trạng hàng giả ở lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm – những mảng trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người dùng.

Đại diện cơ quan quản lý thị trường, các chuyên gia đều cho rằng cần sớm đưa các công nghệ hiện đại vào quy trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa để đối đầu vấn nạn hàng giả như hiện nay
Ảnh: Anh Quân
Các chuyên gia nhận định, vấn nạn này tồn tại do nhiều bất cập mang tính hệ thống. Dữ liệu truy xuất nguồn gốc hiện nay bị phân tán, thiếu sự thống nhất về mã định danh sản phẩm và các giải pháp hiện tại thường chỉ mang tính hình thức, chưa thể hiện được toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu, sản xuất đến người tiêu dùng; chưa kiểm soát hiệu quả hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử; người tiêu dùng chưa có một công cụ cụ thể để xác thực…
Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn, cơ quan chức năng xử lý còn thủ công, bị động, chưa có kiểm soát chặt chẽ. Cùng lúc, các doanh nghiệp lại không có quy định bắt buộc phải tham gia vào một hệ thống truy xuất nguồn gốc chung.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) nhấn mạnh hàng giả là vấn nạn nhức nhối trong thời gian dài. “Trước đây, các cơ quan quản lý toàn phát hiện hàng giả bằng mắt thường nên việc xử phạt các đơn vị, cửa hàng bán hàng giả không dễ dàng”, ông Linh nói.
Đi tìm “thuốc chống hàng giả”
Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain hay mã QR là lời giải tất yếu. Những công nghệ mới cho phép tạo ra một “hộ chiếu số” cho mỗi sản phẩm, ghi lại hành trình từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng một cách minh bạch, không thể thay đổi. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng xác thực hàng hóa, mà còn là yêu cầu quan trọng để sản phẩm Việt Nam thâm nhập các thị trường quốc tế khó tính.

Việc truy xuất nguồn gốc được mã hóa định danh trên toàn chuỗi từ sản xuất đến khâu xuất khẩu
Ảnh: Anh Quân
Những nền tảng xác thực hiện nay được phát triển bởi doanh nghiệp, kỹ sư công nghệ người Việt nên có tính phù hợp cao với đặc thù thị trường trong nước và ngày càng được hoàn thiện theo hướng chuẩn hóa, tích hợp với hạ tầng dữ liệu quốc gia.
Đồng quan điểm, ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng giải pháp sử dụng mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm là rất quan trọng. “Đây cũng là cách để định danh sản phẩm, kê khai một cách minh bạch với sự giám sát của toàn dân, ví như ‘hộ chiếu số’ cho sản phẩm, hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia”, lãnh đạo Trung tâm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ. Ông Nguyễn Huy, Trưởng Ban Công nghệ – Hiệp hội Dữ liệu quốc gia khẳng định, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm không mới, nhưng đang trở nên nhức nhối. Thực tế, đã có tổ chức, doanh nghiệp triển khai việc này nhưng mỗi bên có giải pháp riêng, nên tổng thể còn rất manh mún, rời rạc và hiện chưa có một cơ chế xuyên suốt thống nhất toàn quốc”.
“Trong bối cảnh cả nước thực hiện chuyển đổi số, số hóa nền kinh tế, việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc là bắt buộc và phải là chính sách toàn diện từ trên xuống dưới, có sự quản lý đồng bộ từ trung ương tới địa phương, áp dụng cho tất cả doanh nghiệp. Có như vậy mới định danh, xác thực và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được”, ông Huy nhấn mạnh.