Thuốc giả, trách nhiệm thật

Thuốc giả, trách nhiệm thật

bởi

trong
Thuốc giả, trách nhiệm thật

Kê đơn thuốc điện tử và hệ thống đơn thuốc quốc gia – công cụ hữu hiệu được thiết lập từ 5 năm qua, giúp cho quản lý kê đơn an toàn, mua bán thuốc theo đơn, tránh nguy cơ thuốc giả, vẫn chỉ thực hiện ở mức “cho có”. Các cơ sở khám chữa bệnh liên thông đơn thuốc trên phạm vi toàn quốc của ngành y tế vẫn còn chậm trễ, dù hạn cuối phải thực hiện là từ 30.6.2023.

Hiện mới có 11.213 trong số khoảng 60.000 cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc thường xuyên. Ngay cả các bệnh viện (BV) lớn thuộc Bộ Y tế vẫn chưa liên thông đơn thuốc hoặc chỉ liên thông đơn kê bảo hiểm, còn đơn thuốc khám chữa bệnh theo yêu cầu không liên thông, với cả ngàn đơn/ngày tại các BV lớn. Tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, hầu hết trong số khoảng 40.000 cơ sở chưa liên thông đơn thuốc.

Chậm trễ này trước hết thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế trong chỉ đạo, hướng dẫn triển khai, trong đó trực tiếp là các BV trực thuộc; các sở y tế có trách nhiệm thực hiện tại địa phương và trực tiếp thực hiện là giám đốc các BV, các cơ sở khám chữa bệnh.

Lý giải về nguyên nhân chậm trễ, Chủ tịch Hội Tin học y tế VN từng cho biết các BV vin vào lý do duy trì, vận hành đơn thuốc điện tử liên quan đến bệnh án điện tử, mà kinh phí chưa được hạch toán trong viện phí. Tuy nhiên, theo chuyên gia này: “Tiền không phải là lý do thuyết phục, bởi đã có BV triển khai trong cùng điều kiện là thiếu tiền”.

Do đó, thực hiện liên thông đơn thuốc phụ thuộc vào quyết tâm, năng lực tổ chức của người đứng đầu đơn vị, và sự dám chấp nhận minh bạch hoàn toàn về kê đơn, bán thuốc theo đơn, chịu kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Với hệ thống các nhà thuốc bán lẻ, gần như 100% cơ sở đã có phần mềm từ năm 2019. Tuy vậy các cơ sở vẫn chưa thực hiện đầy đủ, mặc dù các sở y tế hằng năm vẫn kiểm tra, giám sát.

Thực tế, việc triển khai kê và liên thông đơn thuốc điện tử từ phần mềm của cơ sở khám chữa bệnh về hệ thống thông tin quốc gia quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn không quá khó khăn, các phần mềm chủ động thực hiện và không gây thêm quy trình mới nào trong việc khám chữa bệnh của bác sĩ. Việc nhập mã đơn thuốc điện tử vào phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc để bán thuốc theo đơn cũng vô cùng thuận lợi và tiết giảm thời gian từ 3 – 6 phút cho mỗi cơ sở khi thực hiện bán thuốc. Vì thế, đã đến lúc không thể trì hoãn kê đơn thuốc điện tử và liên thông hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn trên phạm vi toàn quốc, với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh; thực hiện bán thuốc theo đơn điện tử tại tất cả các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc. Đồng thời, xây dựng, áp dụng các chế tài xử phạt cơ sở hành nghề y tế nếu không thực hiện đúng quy định.

Nếu tiếp tục sử dụng đơn thuốc giấy, đơn kê trên máy tính nhưng không đạt chuẩn đơn thuốc điện tử; các BV, các nhà thuốc vẫn ngoài cuộc không liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia, thì sẽ vẫn tạo cơ hội cho thuốc giả được đưa đến người bệnh, như thực tế đã xảy ra trong thời gian dài.