Tôi bị són tiểu do bàng quang tăng hoạt, có tiêm botox chữa được không, hiệu quả thế nào? (Hoàng Trà Giang, 37 tuổi, Đồng Tháp)
Trả lời:
Botox là loại độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Tiêm botulinum toxin type A (botox) được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thẩm mỹ nội khoa ít xâm lấn để điều trị tăng tiết mồ hôi, thon gọn đường nét cơ thể, cải thiện lỗ chân lông to, xóa nếp nhăn động… Đây cũng là phương pháp hiệu quả điều trị són tiểu gấp do bàng quang tăng hoạt và tăng hoạt của cơ chóp bàng quang do nguyên nhân thần kinh ở người bệnh có tổn thương tủy sống vì chấn thương hoặc bệnh lý.
Botox ngăn chặn giải phóng các chất trung gian hóa học ở các đầu tận cùng thần kinh bàng quang, ức chế truyền tín hiệu gây co bóp cơ bàng quang. Từ đó, bàng quang giảm co thắt cơ, giảm hoạt động quá mức và cải thiện các triệu chứng như tiểu gấp, tiểu nhiều lần, són tiểu cũng như căng tức bàng quang.
Phương pháp điều trị này rất đơn giản và thường được thực hiện như một thủ thuật tại bệnh viện hoặc phòng khám. Bác sĩ pha loãng một lượng nhỏ botox và sử dụng ống soi bàng quang để tiêm botox vào cơ bàng quang, thường tiêm 20-30 vị trí. Botox thường phát huy tác dụng sau 1-2 tuần và đạt hiệu quả cao nhất sau 4 tuần. Hiệu quả kéo dài trung bình 6-9 tháng, sau đó có thể cần tiêm lại. Trong 1-2 tuần đầu tiên, người bệnh có thể có cảm giác bí tiểu, tiểu khó, nhiễm trùng tiểu, có thể cần thông tiểu sạch ngắt quãng. Đây là các tác dụng phụ của botox nhưng sẽ tự hết.

BS.CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh khảo sát áp lực đồ bàng quang cho một phụ nữ bị són tiểu. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Tiêm botox là thủ thuật khá an toàn đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ(FDA) chấp thuận. Song bạn nên đến các bệnh viện uy tín có đơn vị Niệu nữ để được chẩn đoán chính xác tình trạng, tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Bạn nên điều chỉnh lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước mỗi ngày, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế thức ăn chua, cay nóng, đồ uống có cồn, trà và cà phê, kiểm soát căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ để hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị. Thực hiện các , bài tập sàn chậu, đi tiểu mỗi ba giờ một lần để cải thiện khả năng giữ nước tiểu.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hồng Oanh
Đơn vị Niệu Nữ
Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu để bác sĩ giải đáp |