Tiềm năng thị trường xe điện tại Ấn Độ

Tiềm năng thị trường xe điện tại Ấn Độ

bởi

trong

Ấn Độ mục tiêu điện hóa 80% xe hai và ba bánh trong 5 năm, mở ra tiềm năng cho thị trường xe điện đến 206 tỷ USD, theo Trung tâm Tài chính năng lượng CEEW.

Trong bài phân tích đăng trên Indian Express, Phó Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) nhận định, kế hoạch điện hóa đầy tham vọng này nhằm ứng phó nhu cầu vận tải gia tăng và giảm ô nhiễm môi trường.

Ấn Độ cũng đặt mục tiêu xe điện chiếm 40% đội xe buýt và 30% ôtô cá nhân vào năm 2030. Nếu hoàn thành kế hoạch, quốc gia Nam Á có thể cắt giảm đáng kể lượng khí thải, tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hồi tháng 3, chính quyền Delhi thông báo chỉ cho phép đăng ký mới xe máy điện từ tháng 8/2026, thể hiện quyết tâm thúc đẩy lộ trình chuyển đổi.

Trong lĩnh vực vận tải công cộng, điện hóa đội xe buýt được kỳ vọng mang lại thay đổi lớn. Ấn Độ hiện có khoảng 2 triệu xe buýt, phần lớn do khu vực tư nhân vận hành. Việc đầu tư hạ tầng sạc phù hợp và triển khai các mô hình tài chính linh hoạt có thể giúp hiện đại hóa hệ thống vận tải, đồng thời giảm chi phí nhiên liệu, cải thiện chất lượng không khí và trải nghiệm người dùng.

Theo ước tính từ Trung tâm Tài chính Năng lượng (CEEW), thị trường xe điện tại Ấn Độ có thể đạt quy mô 206 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, đồng thời tạo ra khoảng 50 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên toàn quốc.





Tiềm năng thị trường xe điện tại Ấn Độ

Các loại xe lưu thông trên đường phố Ấn Độ. Ảnh: India Express

Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu này, Ấn Độ cần giải quyết nhiều thách thức về sản xuất linh kiện, pin và hạ tầng trạm sạc. Chính phủ đã triển khai các ưu đãi tài chính, miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất pin lithium-ion và thúc đẩy sản xuất nội địa. Ước tính đến năm 2030, 13% nhu cầu cell pin xe điện (tế bào pin – đơn vị nhỏ cấu thành nên pin lithium-ion) tại Ấn Độ có thể được sản xuất trong nước, tăng mạnh so với hiện tại.

Một số tổ chức tài chính quốc tế cũng tham gia vào quá trình chuyển đổi. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất xe ba bánh điện như Mahindra Last Mile Mobility, doanh nghiệp sản xuất linh kiện EV như Napino, và các quỹ hỗ trợ thị trường xe hai bánh điện. IFC cũng đang xem xét mở rộng đầu tư vốn và cho vay vào lĩnh vực xe buýt, xe tải điện và mạng lưới sạc.

Trên bình diện quốc tế, ngành công nghiệp EV của Ấn Độ cũng được kỳ vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc liên doanh giữa doanh nghiệp nội địa và các đối tác quốc tế sẽ giúp mở rộng năng lực sản xuất, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo báo cáo từ Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) và KPMG, thị trường xe điện nước này được dự báo đạt giá trị hơn 113 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 49% giai đoạn 2022 – 2030. Riêng phân khúc xe hai và ba bánh được dự đoán tiếp tục dẫn dắt thị trường nhờ giá thành rẻ, nhu cầu vận chuyển ngắn và các chính sách ưu đãi mạnh từ chính phủ.





Sự kiện ra mắt thương hiệu tại Ấn Độ của VinFast tại sự kiện Bharat Mobility Global Expo 2025. Ảnh: VinFast

Sự kiện ra mắt thương hiệu tại Ấn Độ của VinFast tại sự kiện Bharat Mobility Global Expo 2025. Ảnh: VinFast

Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xe điện như VinFast có thể tiếp cận thị trường này. VinFast từng công bố kế hoạch mở rộng tại Ấn Độ với tổng mức đầu tư 2 tỷ USD, trong đó giai đoạn đầu là 500 triệu USD cho nhà máy tại bang Tamil Nadu. Nhà máy dự kiến có công suất lên tới 150.000 xe mỗi năm và tạo ra hàng nghìn việc làm tại địa phương.

Đại diện VinFast nói mình “tự tin cạnh tranh với các đối thủ” vì có giá tốt so với thị trường và nhiều chính sách hậu mãi – điều mà các hãng khác bỏ qua. Đại diện doanh nghiệp cũng đánh giá Ấn Độ là thị trưởng tiềm năng khổng lồ. Đây là động lực để hãng tăng tốc hoàn thiện tới hơn 90% nhà máy sau 1 năm động thổ.

Thái Anh