“CHUNG QUANH VẪN ĐẤT NƯỚC NHÀ”
Tháng 3.2025, trời TP.HCM vẫn nắng nóng như mọi năm, những thông tin về sáp nhập tỉnh, thành lao xao trên mạng khiến tôi hướng đến một suy nghĩ: một đất nước bao trọn sông núi biển đồng, đã thống nhất từ 50 năm trước rồi. Bây giờ, một động thái chiến lược từ chính sách như thế, ắt những nhà lãnh đạo phải có nguyên do. Đó là hướng đến một sự đổi mới, để phát triển.
Bỗng dưng, tôi nhớ lại một câu trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, viết hơn 220 năm trước, rằng “Chung quanh vẫn đất nước nhà”, là câu 153, theo quyển Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo (NXB Đồng Nai in năm 1994) mà mình lưu giữ trong tủ sách. Rồi lan man tìm sang quyển Truyện Kiều (song ngữ Việt – Hoa) của học giả – nhà thơ La Trường Sơn (1938 – 2003) do NXB Văn Nghệ in năm 2006, ở trang 65, câu 153 cũng nguyên văn như thế. Sở dĩ hồi ấy tôi tìm mua 2 quyển sách này là để so sánh, đối chiếu bản tiếng Việt của 2 nhà xuất bản in có giống nhau hay không hoặc tìm hiểu sâu thêm về mục chú thích.

Chợ Bến Thành ở TP.HCM
ẢNH: DẠ THẢO
Câu Kiều ấy, dù do nhà xuất bản tái bản, hay với bản dịch rất dụng công sang tiếng Hoa của La Trường Sơn (là người gốc Hoa, quê quán Quảng Đông, Trung Quốc nhưng sinh ra và lớn lên ở TP.Huế) in cách nhau 12 năm, vẫn mang một ý nghĩa đích xác là sự khẳng định thống nhất nếu xét về mặt từ nguyên trong ngôn ngữ thuần Việt.
Dù ở đâu, vùng miền nào, cũng là trên đất nước này thôi. Có chăng, đôi khi phong tục tập quán, giọng nói, văn hóa và bề dày lịch sử mỗi nơi mỗi khác. Điều đó, dù có ghi trong chính sử, thậm chí dã sử, thì dấu ấn khi ta đến mỗi vùng đất với tư cách một du khách, cũng lấy lễ mà tìm hiểu và đối xử, hẳn nhiên không so sánh nơi này nơi khác và loại bỏ ý nghĩa cục bộ. Để dành cho người địa phương nơi có phong vị đặc biệt ấy, tự hào.

Hồ phun nước trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, TP.HCM
ẢNH: KHẢ HÒA
Tôi nghĩ, đó là sự trân trọng con người và mỗi vùng trên đất nước. Và thiển nghĩ rằng, bất cứ ai là người VN thì cũng có lòng yêu quý đất nước này. Vì vậy, câu Kiều ấy, những ngày này với tôi tự dưng có một ý nghĩa rất đặc biệt.
KÝ ỨC 50 NĂM
Những buổi chiều cuối tuần của 50 năm trước, cậu tôi là một sĩ quan của chính quyền Sài Gòn, phụ trách tiếp liệu của tiểu khu Bình Tuy (là một tên khác của tỉnh Bình Thuận bây giờ), từ thị xã Phan Thiết thường lái chiếc xe Jeep vào quận Hàm Tân, nơi nhà tôi cư ngụ, để thăm mấy cha con tôi.
Bên mấy chai bia Lade và con khô mực nướng, một hôm vào khoảng gần cuối tháng 3.1975, cậu tôi sau khi bàn về tình hình chiến cuộc, nói với cha tôi: “Anh tính sao, có đem mấy đứa nhỏ đi đâu không?”. Ba tôi trầm ngâm chút rồi trả lời: “Không đi thì ở lại sợ tên bay đạn lạc. Mà đi thì một mình tôi mang theo 7 đứa con cũng khó quá cậu à”. Tôi tha thẩn chơi nhặt mấy chiếc nắp khoen bia và nghe lóm được câu chuyện, vẫn nhớ cho đến bây giờ!

Trụ sở UBND TP.HCM
ẢNH: KHẢ HÒA
Cũng trong lan man câu chuyện khi chiều xuống, lần đầu tiên tôi nghe cậu tôi nhắc nhiều đến một cái tên nghe rất lạ tai: Kissinger. “Ổng khuyên người Mỹ bỏ miền Nam rồi. Thua là cái chắc”, mà sau này tôi mới biết đó là ông Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Lúc ấy, ba tôi gật gù: “Vậy là có khả năng hòa bình. Miễn sao đừng đổ máu nhiều thôi”.
Rồi cũng vì sợ cuộc chiến lan đến, bom đạn không biết đâu mà lần nên khoảng vài hôm sau, ba tôi thuê một chiếc ghe, dắt díu bồng bế cả nhà ra bến cảng La Gi, đi thẳng đến Vũng Tàu. Tính ra, gia đình tôi chạy gần như dài khắp miền Nam trong cuộc chiến. Để rồi đến ngày cuối tháng tư lịch sử (30.4.1975), ba tôi và nhiều người đàn ông đồng hương khác thốt lên rằng: Hòa bình rồi, về thôi!

Cột cờ Thủ Ngữ bên bờ sông Sài Gòn, được xây dựng cách đây 160 năm (1865)
ẢNH: ĐỘC LẬP
Sau đó vài ngày là chặng đường về lại quê nhà dài dằng dặc, trong sự khó khăn vì đường sá hư hại những ngày hậu chiến, giữa dòng người ùn ùn kéo nhau đổ ngược ra Trung. Ký ức như muối mặn gừng cay với hai tiếng quê hương ở miền địa đầu giới tuyến, như còn hằn dấu trong trí óc non nớt ngày ấy của tôi, cho đến tận bây giờ.
“CHÚNG TA CÙNG VÌ HÒA BÌNH!”
Trở lại quê hương, lần đầu tiên tôi nghe đến các cụm từ và các địa danh: Lũy thép Vĩnh Linh, căn cứ Dốc Miếu với hàng rào điện tử McNamara, căn cứ Cồn Tiên, Cảng quân sự Cửa Việt. Xa hơn phía bờ bắc Vĩ tuyến 17 là hình ảnh Mẹ Suốt, sông Nhật Lệ với con đò chở quân huyền thoại…
Tỉnh Bình Trị Thiên được thành lập sau đó, đồng thời với việc gộp chung Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên; và huyện Gio Linh của tôi gộp với huyện Vĩnh Linh bên kia cầu Hiền Lương thành ra huyện Bến Hải. Tên của con sông chia đôi bờ giới tuyến dằng dặc hơn 20 năm chiến tranh, bây giờ hòa chung một cái tên Bến Hải lịch sử, từng vọng lên khắp năm châu bốn biển, là dấu nối hòa bình với ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ này.

Các sinh viên dự buổi trao giải thưởng cuộc thi Thành phố tôi yêu do Báo Thanh Niên tổ chức năm 2020, diễn ra tại Công viên văn hóa Đầm Sen, TP.HCM
ẢNH: NHẬT THỊNH
Một ngày cũng trong tháng 3 này, bạn tôi là nhà báo Nguyễn Hoàn, từ quê nhà gửi cho tôi bài viết đăng trên Báo Quảng Trị với tựa đề Tôi ước giá như cha tôi còn sống để xin lỗi Việt Nam, kể về chuyến viếng thăm của ông Craig McNamara, là con trai Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S.McNamara. Câu nói mà bạn tôi lấy làm tựa cho bài báo, của người con trai vị bộ trưởng đã từng thiết kế và cho xây dựng nên hàng rào điện tử McNamara ở căn cứ quân sự Dốc Miếu, phía nam bờ sông Bến Hải, tôi nghĩ có thể được ghi vào lịch sử.
Trong cuộc phỏng vấn ấy, khi trả lời về tâm tư của mình lúc trở lại vùng đất một thời máu lửa, sau khi nhận quà tặng là chiếc nón lá VN vẽ hoa sen có ghi dòng chữ “An lạc từng bước chân”, ông Craig McNamara đã nói với anh bạn tôi: “Tôi cảm ơn thịnh tình của anh và nếu có dịp, có cơ hội thì tôi sẽ quay lại. Tất cả chúng ta cùng làm vì hòa bình, không chỉ đối với VN và Mỹ, mà còn trên thế giới nữa”.

Các sinh viên dự buổi trao giải thưởng cuộc thi Thành phố tôi yêu do Báo Thanh Niên tổ chức năm 2020, diễn ra tại Công viên văn hóa Đầm Sen, TP.HCM
ẢNH: NHẬT THỊNH
Chợt như trong tôi, lần lượt những dòng sử Việt quay trở lại. Từ mảnh đất Thuận Hóa cách đây mấy thế kỷ nhà Nguyễn mở cõi về phương Nam đến nay, biết bao cuộc chiến đã giằng xé trên từng mét ruộng đồng, sông núi biển hồ.
Lâu hơn nữa, từ kinh kỳ cổ xưa, nơi tọa lạc chùa Một Cột hơn ngàn năm trước, rất nhiều thế kỷ dân tộc mình đi dài theo hướng dần về phương Nam. Đã có biết bao gian lao ghi dấu trên từng bước chân các bậc tiền nhân trong hành trình tạo lập nên từng phiên trấn, để vẽ nên hình hài của nước Việt hôm nay.
******
Và bây giờ, trong buổi sáng, khi vừa nghe xong giai điệu du dương từ bản giao hưởng Quê hương nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hoàng Việt, tôi xem lại bộ ảnh về TP.HCM do mình và các đồng nghiệp chụp trong nhiều năm qua, rồi giở lại quyển Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức đọc thêm lần nữa, nghe như có tiếng lao xao thuở nào vọng lại từ những miền đất kéo dài từ ranh giới Bình Thuận đến Hà Tiên (bây giờ), từng được nhà Nguyễn đặt tên thành 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên để cai quản.
Ở trang 300 của sách này, do NXB Tổng hợp TP.HCM in năm 2018, tác giả viết bằng các đơn vị đo lường của đầu thế kỷ 19, rằng: “Gia Định thành từ đông sang tây cách nhau 352 dặm rưỡi, đi hết 5 ngày đường; từ nam đến bắc cách 742 dặm rưỡi, đi hết 10 ngày đường. Từ thành Gia Định đến kinh đô Huế cách 2.344 dặm rưỡi, đi hết 30 ngày đường”.
Tự dưng, hình dung lại cương vực, thành trì và sản vật của mỗi trấn hơn hai thế kỷ trước, lại lan man nhớ và thấy tâm đắc với câu Kiều trên đây của Nguyễn Du!