
Các đại biểu dự họp tại hội trường – Ảnh: CTTĐTQH
Hôm nay Quốc hội thảo luận tổ về cơ chế chính sách phát triển kinh tế tư nhân
Theo chương trình phiên họp, sáng nay (15-5), Quốc hội sẽ nghe tờ trình, thảo luận và biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 9.
Tiếp đó, Quốc hội sẽ nghe tờ trình dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai nội dung dự thảo nghị quyết trên và dự Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Trước đó, thông tin tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 14-5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin dự kiến 11h thứ bảy ngày 17-5, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Dự thảo nghị quyết gồm 7 chương 17 điều về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, thể chế hóa 5 nhóm chính sách lớn là cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, hỗ trợ khoa học – công nghệ…
Giảm 20% biên chế các ngành nghề nhưng giữ nguyên giáo dục và y tế
Bộ Nội vụ vừa có văn bản số 2317 gửi UBND các tỉnh thành đề nghị thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức đang công tác trong ngành giáo dục và y tế.
Việc này nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại phiên họp ngày 3-5 về tình hình, tiến độ thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, ý kiến chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy Chính phủ, Thủ tướng về đáp ứng yêu cầu bố trí giáo viên và viên chức y tế phục vụ giảng dạy, chăm sóc sức khỏe tại địa phương.
Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên, viên chức y tế được cấp có thẩm quyền giao theo đúng quy định của pháp luật, có sự phân cấp hợp lý giữa chính quyền địa phương các cấp, bảo đảm phù hợp với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và định hướng sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Xem tin tức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Đối với lĩnh vực giáo dục, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên: Nghiên cứu, dự báo tốt quy mô dân số trong độ tuổi đi học của từng cấp, bậc học tại địa phương, bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình biên chế giai đoạn 2026 – 2030 khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 3 – 5 tuổi;
Miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh THCS, THPT, không phải đóng học phí đối với học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập và dạy học 2 buổi/ngày không thu phí;
Về thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ cho biết khi đánh giá tác động trong quá trình xây dựng chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đã báo cáo cấp có thẩm quyền dự kiến phương án giảm 20% biên chế (không bao gồm viên chức sự nghiệp giáo dục và y tế).

Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM – Ảnh minh họa
Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM đang chăm sóc 13 trẻ bị bỏ rơi tại bệnh viện
Ngày 14-5, Bệnh viện Hùng Vương cho biết tại khoa sơ sinh đang có 13 trẻ bị bỏ rơi, trẻ bé nhất chưa đến 30 ngày tuổi, trẻ lớn nhất mới 7 tháng tuổi.
Theo nhân viên bệnh viện, đa số trẻ bị bỏ rơi đều là những trẻ sinh non, thiếu tháng, gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, từ khi lọt lòng đã phải gửi đến khoa sơ sinh để được chăm sóc. Trong 13 trẻ, 11 trẻ ban đầu đều có thông tin cha mẹ nhưng sau thời gian được chăm sóc, sức khỏe trẻ ổn định hơn, không hiểu vì lý do gì cha mẹ lại bỏ rơi trẻ.
Nhân viên bệnh viện liên hệ nhiều lần nhưng không ai đến đón trẻ, hoặc cũng có những người trốn viện bỏ lại con. Theo Bệnh viện Hùng Vương, mỗi đứa trẻ bị bỏ rơi là một câu chuyện dài đầy trăn trở, một bài toán khó cần nhiều sự kết nối để tìm ra lời giải.
Đến nay, nhìn chung tình trạng sức khỏe của các bé đều đã tạm ổn định và vẫn đang tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ hoàn tất thủ tục chuyển sang cô nhi viện.
Bắt đầu Tháng hành động vì an toàn thực phẩm
Từ 15-4 đến 15-5 hằng năm là Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Đây là dịp để toàn xã hội cùng chung tay nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Năm 2025, tháng hành động có chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.
Mỗi năm, hàng triệu người trên thế giới bị ngộ độc thực phẩm, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và nền kinh tế.
Theo Bộ Y tế, năm 2024 ghi nhận hơn 4.700 ca ngộ độc thực phẩm, trong đó trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 40%. Ngộ độc thực phẩm có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe rất lớn mà các nước đang phát triển đã và đang phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho hay trẻ em có hệ tiêu hóa và miễn dịch nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn hoặc hóa chất trong thực phẩm không đảm bảo.
Ngộ độc thực phẩm có thể gây tiêu chảy cấp, suy dinh dưỡng, thậm chí tổn thương gan, thận nếu không được xử lý kịp thời. Đặc biệt, thực phẩm đường phố hoặc bữa ăn tập thể tại trường học cần được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ các bé.

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 15-5. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết đáng chú ý hôm nay 15-5 – Đồ họa: NGỌC THÀNH

