
Cô trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM trong lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Đề xuất chế độ phụ cấp mới với nhà giáo từ 1-1-2026
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo nghị định về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo, khi Luật Nhà giáo có hiệu lực từ 1-1-2026.
Theo dự thảo nghị định, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo các mức từ 25% đến 80%.
Trong đó, mức 25% áp dụng với nhà giáo giảng dạy trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường bồi dưỡng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương và các trường chính trị của các tỉnh, thành phố.
Mức 30% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các trường trung cấp; các trung tâm bồi dưỡng chính trị của cấp cơ sở; các trường trung học cơ sở, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Mức 35% áp dụng đối với nhà giáo giảng dạy trong các trường tiểu học; các trường trung học cơ sở, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên ở các xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
Mức 40% áp dụng với nhà giáo giảng dạy trong các trường sư phạm, khoa sư phạm trong đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng; các trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo; giảng dạy môn chính trị trong các trường trung cấp.
Mức 45% áp dụng với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non; giảng dạy các môn khoa học Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng; trường bồi dưỡng của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương; các trường chính trị của các tỉnh, thành phố.
Mức 50% áp dụng với nhà giáo giảng dạy trong các trường năng khiếu thể dục thể thao, trường năng khiếu nghệ thuật; trường phổ thông dân tộc bán trú; các trường tiểu học ở xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
Mức 60% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các trường mầm non thuộc xã khu vực I, khu vực II vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
Mức 70% áp dụng với nhà giáo giảng dạy trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông chuyên, trường dự bị đại học; trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật; các cơ sở giáo dục thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ…
Trường hợp đang công tác tại trường giáo dưỡng hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật, nếu mức phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh thấp hơn 70% được hưởng thêm tỉ lệ % chênh lệch để đạt được mức phụ cấp ưu đãi bằng 70%.
Mức 80% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Trước ngày 30-11, đưa cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức vào sử dụng

Dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai tại Ninh Bình đã gần hoàn thiện phần xây lắp, chuẩn bị đấu thầu và lắp đặt thiết bị y tế – Ảnh: DANH KHANG
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 378 kết luận của Phó thủ tướng Lê Thành Long tại chuyến thăm, kiểm tra công trình dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai tại Ninh Bình.
Theo thông báo kết luận, Phó thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Bộ Y tế, ban quản lý dự án, các nhà thầu và các bộ, cơ quan liên quan trong việc tổ chức triển khai các công việc của hai dự án; kết quả ghi nhận tại hai công trình đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là tại Bệnh viện Bạch Mai.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc và chưa có các giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm, kịp thời.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, ban quản lý dự án, các nhà thầu và các bộ, cơ quan liên quan cần quyết tâm, nỗ lực, chủ động hơn nữa và tập trung cao độ về trí tuệ, nguồn lực, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để đạt mục tiêu hoàn thành, đưa hai bệnh viện vào sử dụng trước ngày 30-11 tới nhằm phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, không để lãng phí, đồng thời góp phần giảm quá tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Phẫu thuật phục hồi đám rối thần kinh cánh tay cho cháu bé sinh thường nặng 4,7kg
Tối 22-7, Bệnh viện Nhi đồng 2 thông tin bệnh viện này mới phẫu thuật cho bệnh nhi Đ.Q.T. (5 tháng tuổi, ngụ tại Cần Thơ) bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay do sang chấn sản khoa trong quá trình sinh thường.
Xem tin mức mới nhất về giá vàng hôm nay tại đây
Bệnh nhi T. là con thứ 3 trong gia đình, sinh thường 4,7kg. Ngay sau sinh, bé T. đã được theo dõi và điều trị bằng vật lý trị liệu. Tuy nhiên sau 5 tháng, bé chỉ có thể nâng nhẹ vai và cử động rất hạn chế ở khuỷu tay, khả năng hồi phục kém.
Bé được phẫu thuật vi phẫu chuyển ghép thần kinh để có cơ hội phục hồi chức năng vận động cánh tay. Đây là kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, được thực hiện bởi ê kíp bác sĩ của khoa bỏng – chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2.
BS Nguyễn Thị Ngọc Ngà, khoa bỏng – chỉnh trực Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: “Mục tiêu điều trị là giúp bé có thể dần phục hồi các chức năng quan trọng như nâng vai, gập khuỷu tay và cử động các ngón tay. Sau phẫu thuật, bé sẽ tiếp tục quá trình vật lý trị liệu chuyên sâu để tối ưu hiệu quả phục hồi”.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 23-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết đáng chú ý hôm nay 23-7 – Đồ họa: NGỌC THÀNH
