Khi điều quân đến thành phố Sweida ở miền nam, Tổng thống lâm thời Syria có thể đã hiểu nhầm quan điểm của Mỹ và Israel, dẫn đến tuần giao tranh đẫm máu.
Thành phố Sweida, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền nam Syria, tuần qua chứng kiến những cuộc giao tranh đẫm máu giữa dân quân người Druze với quân đội chính phủ và các tổ chức vũ trang người Bedouin.
Người Druze, chiếm đa số ở Sweida, và người Bedouin thiểu số là hai nhóm “không đội trời chung”, thường xuyên mâu thuẫn, đụng độ trong nhiều năm qua. Xung đột giữa hai bên bùng phát từ ngày 13/7, khi các tay súng người Bedouin bắt cóc một tiểu thương người Druze, dẫn đến loạt động thái bắt bớ, tấn công lẫn nhau giữa hai bên, khiến 37 người thiệt mạng.
Đây không phải xung đột sắc tộc đầu tiên xảy ra dưới chính quyền Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa, nhưng gây chú ý khi Damascus điều quân đội tới Sweida can thiệp từ hôm 15/7, dẫn đến những cuộc giao tranh đẫm máu ở thành phố này.
Chỉ trong một tuần, số người chết do xung đột ở Sweida đã tăng lên 1.120, gồm hơn 720 tay súng và dân thường người Druze, 354 binh sĩ chính phủ và 21 người Bedouin, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR).
Theo các nguồn thạo tin, Tổng thống lâm thời Sharaa có thể phạm phải sai lầm khi điều quân đội tới Sweida vì hiểu nhầm ý một bình luận từ đặc phái viên Mỹ về một “Syria tập quyền” và nội dung cuộc đàm phán Syria – Israel ở Azerbaijan.

Lực lượng an ninh Syria ở thành phố Sweida, tỉnh Sweida ngày 16/7. Ảnh: Reuters
Sau khi lật đổ tổng thống Bashar al-Assad, ông Sharaa đã chủ động tách Syria khỏi trục ảnh hưởng của Iran và khôi phục quan hệ với phương Tây. Mỹ, đồng minh của Israel, cũng hàn gắn quan hệ với Syria, cử phái đoàn đến Damascus làm việc với chính quyền mới.
Ngày 9/7, Thomas Barrack, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Syria, vạch ra tầm nhìn về một Syria với quyền lực tập trung vào tay chính quyền trung ương ở Damascus, “không có vùng tự trị” cho cộng đồng người Kurd, Alawite hay Druze. Các cộng đồng thiểu số này vốn không có niềm tin vào chính quyền Hồi giáo mới thành lập của Tổng thống lâm thời Sharaa và lo sợ bị trả thù sau khi chứng kiến quân đội chính phủ mới ở Syria đàn áp phong trào nổi dậy của người Alawite.
“Chúng ta đã thấy rõ rằng mô hình liên bang ở Syria không hiệu quả”, ông Barrack nói sau cuộc gặp với ông Sharaa. “Chỉ có một con đường và nó dẫn về thủ đô Damascus”.
Một thế lực có ảnh hưởng rất lớn ở miền nam Syria là Israel. Quốc gia này có khoảng 2% dân số là người Druze, có mối liên hệ đặc biệt với người Druze ở Syria. Nhiều người Druze phục vụ trong quân đội Israel và họ đã nhiều lần yêu cầu chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu can thiệp quân sự vào Sweida để bảo vệ người Druze nếu cần.
Khi xung đột giữa cộng đồng Druze và Bedouin bùng phát tại Sweida, giới chức Syria đã diễn giải bình luận của ông Barrack là “tín hiệu bật đèn xanh” để họ có thể điều binh sĩ và xe tăng xuống miền nam lập lại trật tự.
Một quan chức Syria nói họ đã thông báo cho Mỹ về kế hoạch đưa quân tới Sweida nhưng không nhận được phản hồi. Damascus tin điều này đồng nghĩa “Washington đã ngầm chấp thuận” cho chiến dịch trấn áp và “Tel Aviv sẽ không can thiệp”.
Một dấu hiệu khác khiến ông Sharaa tin rằng Israel sẽ “nhắm mắt làm ngơ” là việc hai nước gần đây đàm phán ở Azerbaijan hướng đến bình thường hóa quan hệ. Hai nguồn tin nói chính quyền Sharaa còn tưởng rằng hai bên đã ngầm đồng thuận về việc đưa tỉnh Sweida về dưới quyền kiểm soát của Damascus. Văn phòng Thủ tướng Israel từ chối bình luận về thông tin.
Với niềm tin đó, các đoàn xe quân đội chính phủ từ Damascus di chuyển tới ngoại ô Sweida vào ngày 15/7. Tại đây, họ bị dân quân Druze phục kích, khiến hàng chục binh sĩ chính phủ thiệt mạng.
Các nhân chứng cho biết thay vì lập lại trật tự, quân đội Syria đã trả đũa, cùng người Bedouin tấn công các tay súng và dân thường Druze khắp thành phố, số người chết nhanh chóng tăng lên hàng trăm.
Nhưng những đánh giá của Tổng thống lâm thời Sharaa đã sai. Khi bạo lực leo thang tại Sweida, quân đội Israel (IDF) cùng ngày bất ngờ mở chiến dịch không kích vào các vị trí quân đội Syria ở thành phố để bảo vệ người Druze.
Một ngày sau, IDF phóng tên lửa vào trung tâm thủ đô Damascus, phá hủy trụ sở Bộ Quốc phòng Syria trong đòn “dằn mặt” quy mô lớn. Lúc này, ông Sharaa hiểu rằng mình đã đánh giá sai lầm về ý định của Israel và buộc phải ra lệnh rút quân khỏi Sweida để tránh “chiến tranh trực tiếp” với Tel Aviv.
Sau khi quân đội chính phủ Syria rút ra, giao tranh vẫn không lắng xuống, khi lực lượng Bedouin cùng các nhóm Hồi giáo vũ trang trên khắp đất nước tiếp tục tấn công vào Sweida. Họ bị cáo buộc gây ra nhiều vụ thảm sát, đốt phá trong thành phố, trước khi chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian với người Druze vào cuối tuần trước.
Một nhà ngoại giao ở Damascus cho rằng giới chức Syria “đã quá tự tin” với ý định kiểm soát Sweida, “dựa vào một thông điệp không phản ánh đúng tình hình thực tế từ Mỹ”.
Joshua Landis, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Trung Đông, Đại học Oklahoma, nhận định chính quyền ông Sharaa “đã đi quá đà” khi diễn giải bình luận bác bỏ chế độ liên bang ở Syria của ông Barrack thành “ủng hộ Damascus có thể dùng vũ lực để áp đặt ý chí lên cộng đồng Druze”.
“Các quan chức quân sự của Tổng thống lâm thời Sharaa đã hiểu nhầm về Mỹ. Họ cũng hiểu sai lập trường của Israel về Sweida trong các cuộc đàm phán ở Baku”, ông Landis nói với Reuters.
Robert F. Worth, cây viết của Atlantic, cho rằng những diễn biến liên quan Sweida còn phản ánh bất đồng giữa Mỹ và Israel về bản chất của chính quyền mới ở Syria. Mỹ muốn thúc đẩy một Syria thống nhất và tập trung quyền lực, nhưng Israel tin họ sẽ an toàn hơn nếu quốc gia Arab láng giềng suy yếu và bị chia cắt thành nhiều phe phái đối địch nhau, đến mức không thể tạo ra mối đe dọa.

Vị trí tỉnh Sweida và thành phố thủ phủ cùng tên ở miền nam Syria, giáp Cao nguyên Golan và Jordan. Đồ họa: CNN
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về vấn đề, nhưng khẳng định Washington ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Syria. Người này kêu gọi chính phủ Syria “bảo vệ mọi người dân, bao gồm cả các cộng đồng thiểu số” và trừng phạt những kẻ gây ra bạo lực.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Syria cho hay Tổng thống lâm thời Sharaa quyết định điều quân dựa trên “những cân nhắc hoàn toàn mang tính quốc gia” với mục tiêu “chấm dứt đổ máu, bảo vệ dân thường và ngăn chặn leo thang xung đột nội bộ”.
Ông Sharaa đổ lỗi cho “các nhóm vô pháp” đã thổi bùng xung đột ở Sweida và tuyên bố sẽ buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm, nhưng không nói quân đội chính phủ có liên quan hay không. Một nguồn tin tình báo nói ông Sharaa khó kiểm soát diễn biến thực địa, do quân đội Syria có các tay súng từng là thành viên Hồi giáo cực đoan tham gia chiến dịch nổi dậy lật đổ ông Assad.
Tiếng súng đã ngừng lại ở Sweida vào ngày 20/7, nhưng các tay súng Bedouin vẫn vây hãm mọi con đường ra vào thành phố, khiến khoảng 30.000 dân Druze mắc kẹt trong tình trạng thiếu nhu yếu phẩm. “Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, một chiến binh Bedouin tuyên bố khi cầm súng chốt giữ tại trạm kiểm soát ở con đường huyết mạch dẫn vào Sweida.
Như Tâm (theo Atlantic, Reuters, AFP)