Tình yêu sét đánh của chàng trai Mỹ và cô kỹ sư Việt ở Boeing

Tình yêu sét đánh của chàng trai Mỹ và cô kỹ sư Việt ở Boeing

bởi

trong

MỹNgày đầu tiên Hạnh Vy xuất hiện ở bộ phận kỹ thuật, Nahien nghe mọi người xì xào về một cô gái Việt Nam rất xinh đẹp, nhưng không ngờ anh bị “hớp hồn” ngay khi gặp cô.

“Cô ấy ngồi ở bàn làm việc với nét thanh lịch, nụ cười tỏa nắng và sự hiện diện mạnh mẽ”, Naihien Chowdhury, 31 tuổi, nhớ lại. Anh tiến lại chào hỏi. Là quản lý kỹ sư Boeing, anh muốn nhân sự mới cảm thấy được chào đón trong ngày đầu nhận việc.

Cử chỉ này giúp Vy vơi bớt lo lắng. Cô ấn tượng với sự thân thiện và nụ cười có lúm đồng tiền của sếp. “Anh chỉ xưng tên và hỏi tôi cần giúp gì. Sau này biết anh là quản lý tôi càng nể, vì trẻ, giỏi mà khiêm tốn”, Hạnh Vy, kiểm sát viên chất lượng 29 tuổi, nhớ lại.

Tại hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới, mỗi ngày lễ lớn như Tạ ơn, Giáng sinh hay năm mới, không khí trong công ty lại rộn ràng với những buổi potluck, kiểu tiệc mỗi khách mời mang theo một hoặc vài món ngon để góp.

Vy thường chuẩn bị gỏi cuốn, chả giò, bò lá lốt còn anh sếp người gốc Bangladesh của cô đem đến doner kebab, thịt cừu nướng. Qua mỗi đĩa thức ăn, họ kể cho nhau nghe về văn hóa quê mình, những chuyến đi và món ăn yêu thích từ khắp nơi trên thế giới.

Vy thích nghe Nahien kể về những trải nghiệm săn bắn và đi phượt một mình khám phá 38 quốc gia.





Tình yêu sét đánh của chàng trai Mỹ và cô kỹ sư Việt ở Boeing

Đôi uyên ương trong trang phục cưới. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chàng trai cho biết ngay từ nhỏ đã mê máy bay và màu trời, nên việc chọn ngành kỹ sư hàng không và đầu quân cho Boeing như một lẽ tự nhiên. Còn Vy một mình qua Mỹ học từ năm 19 tuổi, vào làm ở Boeing ngay tại bang Washington mình sinh sống là niềm tự hào.

Một trưa nọ, khi đang đi dạo bên nhau, Nahien chợt nhìn Vy theo cách khác. Bất giác, anh quay sang hỏi: “Em có tin vào sét đánh không?”. Vy bật cười, nhưng anh biết cô hiểu mình nói gì.

Tuy nhiên, cô gái Việt không phải người dễ yêu. Nghe Nahien tâm sự cha mẹ anh từng sợ con trai hẹn hò với người khác văn hóa, tôn giáo. Vy không muốn anh khó xử và càng lo cái gì dễ đến cũng nhanh đi, nên đã từ chối.

Suốt thời gian sau đó, Nahien ân cần hỏi han, không ồ ạt. “Em cứ từ từ cảm nhận, anh sẽ chờ”, chàng trai nhắn. Hơn một năm sau khi quen, trong bữa cơm Nahien tự tay nấu tặng cô món Pilaf, một món ăn Ả Rập rất cầu kỳ, Hạnh Vy đã xúc động rơi nước mắt. Chàng trai chớp cơ hội, tỏ tình: “Làm bạn gái anh nhé! Chính thức đi, anh sẽ nấu cho em ăn hoài!”. Cô gái cười gật đầu.

Tháng 7/2024, chỉ một tháng sau khi yêu, Nahien đưa bạn gái về Florida giới thiệu với gia đình.

Hạnh Vy ra mắt trong trạng thái vừa run vừa sợ, cho đến khi ba mẹ Nahien hỏi: “Cháu là người nước nào?”. Vy trả lời: “Cháu là người Việt Nam”. Một tràng cười vang lên. “That’s great!” (Tuyệt vời), họ nói. Đôi trẻ còn ngỡ mình nghe nhầm.

Sau này, Vy mới biết gia đình anh không thích các cô gái Mỹ vì họ không còn coi trọng giá trị gia đình, ít có thái độ biết kính trên nhường dưới. Khi biết Vy là người Việt, họ rất hài lòng. “Phụ nữ Á Đông thường biết nghĩ cho cha mẹ, biết giữ nề nếp”, ông Shahin, bố Nahien nói.

Nhờ động viên của Nahien, Vy đã chuyển từ công việc kỹ thuật trong nhà máy sang làm việc trực tiếp với khách hàng đến mua máy bay. “Công việc này tốt hơn trước rất nhiều và phủ hợp tính cách của tôi”, Vy nói và tiết lộ đang có mục tiêu cao hơn là trở thành quản lý.

Vy tâm sự cô yêu Nahien không chỉ bởi rung động mà còn có sự ngưỡng mộ. Với cô, anh là hình mẫu về một người đàn ông bản lĩnh, giỏi chuyên môn, dù lịch trình dày đặc vẫn dành thời gian học tập và sở thích cá nhân như câu cá, săn bắn.

“Trong cách cư xử, anh không bao giờ tạo cảm giác là cấp trên, dù với tôi từ ngày còn chưa thân thiết hay các đồng nghiệp khác. Ngược lại, anh gieo niềm tin rằng giới hạn duy nhất là do mình tự đặt ra”, Vy chia sẻ thêm.

Hai cái Tết Nguyên Đán gần đây, Nahien đưa cô đi chùa Việt Nam. Anh cũng mặc áo dài truyền thống và nghiêng mình vái lạy thành kính như một người con đất Việt. Mỗi lúc bên nhau, Nahien đều nhắc Vy gọi điện về cho ba mẹ và em trai. “Anh quan tâm cả những người tôi yêu thương và điều tôi quý trọng”, cô gái Việt chia sẻ.

Giao thừa 2025, trên du thuyền dưới trời bầu trời pháo hoa, chàng kỹ sư máy bay đã cầu hôn cô gái Việt. Họ đã tổ chức đám cưới Hồi giáo vào dịp 14/2 tại Florida. Còn lễ cưới truyền thống Việt Nam được tổ chức tại Nhà Bè, TP HCM, hôm 10/5 vừa qua.

Tham dự hôn lễ ở Việt Nam, ông Shahin cho biết vô cùng ấn tượng vì sự chuẩn bị công phu và đông đúc, trái ngược với hôn lễ có phần ấm cúng, riêng tư ở Mỹ. Gia đình nhà gái có nhiều đời làm trong ngành cưới nên từ bộ áo dài truyền thống đến vest cho hai họ đều một tay chuẩn bị. Chiếc váy cưới được cô út thiết kế và gắn hàng nghìn chiếc đèn nhỏ li ti phát sáng như đom đóm, giúp cô dâu tỏa sáng suốt đêm tiệc. Không gian tiệc được các bác, chú và ba Vy trang trí ngay trong khu vườn của gia đình.

“Khu vườn này là tâm huyết một tay ba tôi tự làm suốt 3 năm qua, nay để con gái tổ chức cưới đầu tiên. Ông còn bí mật có màn bắn pháo hoa, khiến tất cả ngỡ ngàng, xúc động”, cô dâu chia sẻ.





Đôi uyên ương trong ngày cưới ở Việt Nam, hôm 10/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đôi uyên ương trong ngày cưới ở Việt Nam, hôm 10/5. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong ngày vui, cô dâu cũng không ngăn nổi dòng nước mắt của sự biết ơn và cảm thấy may mắn vì hai bên gia đình rất trân quý nhau, dù bất đồng ngôn ngữ và khác biệt văn hóa.

Chú rể thổ lộ, cô dâu như mảnh ghép hoàn hảo của mình. Chẳng hạn anh thích nấu nướng bao nhiêu, cô lại thích dọn dẹp bấy nhiêu. Anh vốn trầm tính, bình tĩnh, lại mê cái tính bướng, hoạt bát, ngoài mạnh mẽ trong nữ tính của cô.

“Cùng nhau, chúng ta phát triển và em là điểm tựa, là tình yêu, là người tôi ngưỡng mộ nhất. Em là đóa hoa rực rỡ nhất trong cuộc sống của tôi”, chú rể nói.

Phan Dương