Tivi 55 inch hư là vứt vì thợ sửa điện tử đi làm bốc vác kiếm sống

Tivi 55 inch hư là vứt vì thợ sửa điện tử đi làm bốc vác kiếm sống

bởi

trong
Tivi 55 inch hư là vứt vì thợ sửa điện tử đi làm bốc vác kiếm sống

Chiếc tivi 55 inch ở nhà tôi vừa hết bảo hành thì màn hình “chết” không rõ nguyên nhân.

Mang ra cửa hàng nơi mua, họ bảo phải gửi về hãng, chờ vài tuần, tính phí kiểm tra, rồi mới tính đến chuyện sửa hay không.

Anh Hà trong xóm tôi là thợ sửa điện tử, anh đã bỏ nghề từ mấy năm trước để đi bốc vác cho một nhà máy xay xát hoặc vác lúa theo mùa. Sửa điện tử giờ không sống nổi.

Ở quê tôi, cả xóm giờ chẳng còn lấy một tiệm sửa đồ điện tử, điện cơ nào còn hoạt động. Máy bơm hư thì mua mới, nồi cơm điện trục trặc là vứt, loa hư thì lên mạng đặt cái khác. Thậm chí, nhiều người trẻ còn không hình dung nổi việc sửa chữa là một lựa chọn có thật. Bởi đơn giản không còn ai sửa và quan trọng hơn là tiền sửa có khi xấp xỉ tiền mua mới.

Điều đáng lo không phải chỉ là sự lãng phí tài nguyên, mà sâu xa hơn, là sự mai một của một lực lượng lao động kỹ thuật từng là trụ cột âm thầm trong đời sống dân sinh. Trước kia, một người học nghề sửa tivi, quấn mô-tơ, lắp máy lạnh có thể sống được với tay nghề của mình.

Giờ đây, họ dần bỏ nghề vì thu nhập bấp bênh, khách ít, chi phí đầu tư thiết bị cao mà lợi nhuận thấp. Trong khi đó, mặt hàng điện tử ngày càng rẻ hơn, dễ thay thế hơn và quan trọng nhất: tâm lý “mua mới cho nhanh” đã dần thắng thế. Không có tiền sẵn thì trả góp.

Chúng ta hay lo lắng về việc AI sẽ thay thế ai, nhưng lại không nhận ra rằng, ngay trong đời sống thường ngày, những người thợ tay nghề cao đang dần rời khỏi vị trí vốn dĩ thuộc về họ, không phải vì bị máy móc thay thế, mà vì sự phát triển chung không tạo điều kiện, không chừa đường để họ tồn tại.

Sự vắng bóng của những người thợ lành nghề trong các lĩnh vực kỹ thuật như sửa điện, cơ khí, điện tử không phải là hiện tượng nhất thời, mà là kết quả của một quá trình thay đổi âm thầm. Và giờ đây, đang diễn ra một cách nhanh chóng.

Khi xã hội vận hành theo hướng công nghệ hóa, dịch vụ hóa, những công việc thủ công dần bị xem là “lạc hậu”, kém hấp dẫn. Việc học nghề không còn là lựa chọn thực tế, mà bị coi như giải pháp “chống cháy” khi không vào được đại học.

Sự thay đổi này không sai, nhưng đang mất cân đối. Xã hội hiện đại cần trí thức, cần kỹ sư, cần lập trình viên, nhưng cũng không thể thiếu những người thợ có tay nghề cao, có khả năng thích ứng và sáng tạo trong công việc.

Điều chúng ta cần là một giải pháp hướng nghiệp đa năng, không đóng khung con đường sự nghiệp vào đại học, mà mở ra nhiều lối đi phù hợp với năng lực và hoàn cảnh mỗi người.

Đồng thời, giáo dục nghề cần được nâng cấp toàn diện: không chỉ là nơi “dạy nghề” mà phải là môi trường đào tạo kỹ năng gắn với thị trường, có cơ hội học nâng cao, có kết nối doanh nghiệp, và nhất là giúp người học thấy được tương lai lâu dài. Phải có một hệ sinh thái nghề nghiệp nơi người lao động không chỉ “làm được việc” mà còn sống được bằng nghề, tiến xa được với nghề.

Nếu không hành động kịp thời, chúng ta sẽ không chỉ thiếu đi những người sửa tivi, lắp máy bơm hay quấn mô-tơ, mà sẽ mất luôn cả một thế hệ thợ lành nghề không được đào tạo bài bản.

Hoàng Văn