TP HCMPhát hiện người phụ nữ định đi tàu “chui” vì không tiền, tổ nhân viên tàu SE4 đã góp hơn một triệu đồng mua tặng vé và lo ăn uống, sáng 22/5.
Trưởng tàu Trần Văn Trí, 51 tuổi, kể trong lúc kiểm tra tàu SE4 sẽ khởi hành từ TP HCM đi Hà Nội vào tối 22/5, phát hiện một phụ nữ nằm trên giường tầng ba ở toa số 5. Hỏi chuyện, anh Trí biết chị là Phạm Thị Ngưỡng, 47 tuổi, quê huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Ngày 15/5 chị vào TP HCM tìm người thân để vay tiền chữa bệnh cho chồng nhưng không biết địa chỉ chính xác và cũng không liên lạc được. Đến ngày 22/5, cạn tiền trong khi chồng đang ốm nặng, con nhỏ ở nhà, chị Ngưỡng tìm cách lên tàu, định trốn vé ra Hà Nội.
Anh Trí đã liên lạc với một số nơi, xác minh hoàn cảnh của chị Ngưỡng là chính xác. Trưởng tàu báo cáo sự việc với cấp trên rồi cùng 13 thành viên trong tổ tàu quyên góp được hơn một triệu đồng mua vé tàu cho chị Ngưỡng.

Trưởng tàu Trần Văn Trí thay mặt Đoàn Tiếp viên đường sắt Sài Gòn tặng vé tàu cho chị Phạm Thị Ngưỡng, ngày 22/5. Ảnh: Đường sắt Việt Nam
Tối cùng ngày, tàu SE4 lăn bánh. Suốt hành trình gần hai ngày đêm, chị Ngưỡng được tổ tàu lo ăn uống. Sáng 24/5 tàu đến ga Hà Nội, anh Trí nói sẽ bắt xe khách đưa chị Ngưỡng về nhà an toàn.
“Có lẽ ai ở vị trí của chúng tôi cũng sẽ hành động như vậy, chỉ mong chị sớm đoàn tụ gia đình, bởi chồng ốm nặng, con nhỏ không người chăm sóc”, người trưởng tàu 25 năm kinh nghiệm trên tuyến đường sắt Bắc – Nam nói.
Anh cũng kể thêm, trong những năm làm nghề, bản thân và đồng nghiệp từng đỡ đẻ cho sản phụ trên tàu, giúp hành khách tìm tài sản thất lạc, hay phục vụ những chuyến tàu đặc biệt trong dịch Covid-19.

Trưởng tàu Trần Văn Trí và chị Phạm Thị Ngưỡng trên chuyến tàu SE4 từ TP HCM ra Hà Nội, sáng 23/5. Ảnh: Đường sắt Việt Nam
Xúc động trước sự giúp đỡ của tổ tàu, chị Ngưỡng viết vội bức thư cảm ơn: “Tôi không người thân, không tiền mua vé, vậy mà các anh đã mua vé, thức ăn, lo xe ô tô đưa tôi từ ga Hà Nội về nhà. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn đoàn tiếp viên đường sắt”.
Bà Đặng Thị Minh Tuân, 67 tuổi, hàng xóm của chị Ngưỡng, cho biết hoàn cảnh gia đình chị rất éo le. Chồng chị bị tai biến, nằm liệt giường nhiều năm và mất nhận thức. Ba người con, lớn nhất 18 tuổi, thứ hai 16 tuổi, đều nghỉ học đi làm, con út mới 10 tuổi. Nhà có hai sào ruộng, chị Ngưỡng làm thuê cho xưởng cơ khí gần nhà để trang trải cuộc sống, thuốc men cho chồng. Bố mẹ hai bên già yếu, anh em không khá giả nên một mình gồng gánh.
“Đợt này túng quẫn quá nên cô Ngưỡng mới liều vào TP HCM vay tiền nhưng không được. May mắn được các anh chị đường sắt Sài Gòn hỗ trợ mới về được đến nhà”, bà Tuân chia sẻ.
Người hàng xóm cho biết thêm, những ngày chị Ngưỡng đi vắng, bà và dân làng đã thay nhau trông nom nhà cửa, phụ giúp gia đình.
Quỳnh Nguyễn