Tôi bất lực nhìn sinh viên giỏi bỏ học làm công nhân

Tôi bất lực nhìn sinh viên giỏi bỏ học làm công nhân

bởi

trong
Tôi bất lực nhìn sinh viên giỏi bỏ học làm công nhân

‘Bố mẹ quyết định cho con nghỉ học, về nhà thi chứng chỉ tiếng Trung rồi đi làm công nhân, hoặc xuất khẩu lao động…’.

Một ngày đầu tháng 7, khi tôi vừa nhận lời mời tiếp tục dạy thỉnh giảng môn Văn hóa Trung Quốc cho sinh viên năm thứ hai ngành Ngôn ngữ Trung, hệ cao đẳng chính quy, tại một trường cao đẳng tại Thường Tín, Hà Nội, cũng chính là lúc một tin nhắn được gửi đến khiến lòng tôi trĩu nặng.

Người gửi là một trong những sinh viên gắn bó sâu sắc với tôi suốt cả năm học trước. Em viết: “Bố mẹ và cậu quyết định cho con nghỉ học rồi. Con sẽ ở nhà học tiếng Trung tại trung tâm, sau đó thi lấy chứng chỉ HSK4. Cậu bảo sẽ xin việc cho con làm công nhân ở khu công nghiệp gần nhà, hoặc đi xuất khẩu lao động…”.

Tôi đọc đi đọc lại, không dám tin một cậu lớp trưởng trách nhiệm, học chăm, hát hay, có chí tiến thủ và được bạn bè quý mến, giờ đành gác lại giấc mơ học hành chỉ vì nhà nghèo, không đủ tiền tiếp tục cho em học. Em ngoan ngoãn, lễ phép, không bao giờ thiếu bài. Trong lớp, em luôn là người đầu tiên xung phong thuyết trình, luôn giơ tay phát biểu, luôn sẵn sàng giúp bạn bè và cô giáo. Em hát rất hay. Giọng em có gì đó trong trẻo, da diết và đầy nội lực như chứa đựng cả những ước mơ thầm lặng của người trẻ muốn vượt lên chính mình.

Tôi còn nhớ mãi, mỗi lần về quê, em lại mang biếu tôi mấy món quà quê giản dị: vài quả bưởi hái ở vườn nhà và mấy chiếc bánh gai do chính tay mẹ em làm. Tôi luôn trân trọng vì đó là tấm lòng của một cậu sinh viên nghèo mà vẫn luôn nghĩ đến cô giáo của mình.

“Con xin phép được nói lời tạm biệt vì sắp tới con sẽ không còn học ở trường nữa…”. Tôi đọc những dòng tin nhắn của người học trò của mình mà thấy lòng nghẹn lại. Tôi hỏi lý do, em bảo: “Nhà con nghèo. Đi học cao đẳng mất ba năm lâu quá. Học trung tâm chỉ cần sáu tháng đến một năm là có thể thi chứng chỉ HSK, xin việc đi làm luôn. Các em của con cũng lớn, thêm nhiều khoản chi tiêu. Gia đình con quyết rồi, không thay đổi được đâu ạ”.

Tôi chỉ còn biết động viên em làm thủ tục xin bảo lưu kết quả học năm thứ nhất, biết đâu sau này có cơ hội quay lại còn được học tiếp. Tôi không biết em có thực sự làm không. Tôi chỉ mong, ở một thời điểm nào đó, con đường học tập ấy chưa đóng lại vĩnh viễn với em.

>>

Tôi biết, không phải em không muốn học tiếp. Nhưng đôi khi những khó khăn về tài chính là một cơn lốc lặng lẽ, cuốn trôi giấc mơ của những người trẻ. Một số người trẻ sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn và đôi khi điều đó trở thành lý do để người lớn quyết định thay ước mơ của con trẻ.

Tôi còn nhớ, em từng nói rằng: “Sau này con muốn làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung, hoặc làm phiên dịch viên…”. Nhưng giờ giấc mơ ấy có lẽ đành phải xếp lại. Đó là lúc tôi thấy mình bất lực nhất trong tư cách một người thầy. Tôi không thể thuyết phục được gia đình em, cũng chẳng giúp được em về vật chất. Tôi chỉ có thể lặng lẽ dõi theo, thương em và tiếc cho một giấc mơ đã “gãy” giữa chừng.

Câu chuyện của em không phải là đơn lẻ. Hàng năm, có không biết bao nhiêu sinh viên, đặc biệt ở các trường cao đẳng, trung cấp, buộc phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình. Họ không vi phạm quy chế, không học yếu mà chỉ đơn giản là không thể học tiếp.

Có em phải nghỉ vì nhà quá nghèo, không ai trông em nhỏ, nên ở nhà đi làm công nhân để nuôi em. Có em vì bố mẹ ly hôn, học phí không xoay đủ, nên đành bỏ học đi làm thuê. Có em vì người lớn trong gia đình nghĩ: “Con gái học nhiều làm gì? Học xong cũng đi lấy chồng thôi”, và thế là giấc mơ cử nhân bị dập tắt ngay từ trong trứng nước. Có em đi làm thuê, rồi bị cuốn vào guồng quay mưu sinh, mãi mãi không trở lại giảng đường…

Điều khiến tôi đau lòng nhất là phần lớn các em đều yêu trường, yêu lớp, yêu việc học tập. Các em không bỏ học vì chán học. Mà vì hoàn cảnh buộc các em phải chọn giữa tri thức và cơm áo. Tôi tự hỏi, khi một sinh viên có năng lực, có ước mơ, có ý chí mà vẫn phải dừng học, thì nền giáo dục của chúng ta đang bỏ lỡ điều gì?

Tôi không phải cán bộ nhà trường, cũng không phải nhà tài trợ để có quyền quyết định học bổng. Tôi chỉ là một giảng viên thỉnh giảng đi dạy theo tiết, nhận từng đồng thù lao ít ỏi. Tôi cứ day dứt: liệu em sẽ sống thế nào khi rời giảng đường? Liệu em có kịp giữ giấc mơ trong lòng, hay sẽ bị cuốn đi mãi?

Tôi hay bảo các sinh viên của mình: “Nếu các con không có điều kiện học đại học, học cao đẳng vẫn là con đường mở ra nhiều cánh cửa. Chỉ cần học hành nghiêm túc, có kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp, thì dù các con làm ở đâu, các con vẫn có giá trị”. Tôi luôn nói với các em rằng: học để biết, học để làm, học để làm người, học để cùng nhau sống chứ không chỉ học để lấy bằng. Nhưng để được học, đôi khi lại là một đặc quyền.

Tôi viết bài này không phải để đổ lỗi cho phụ huynh bởi họ cũng có lý do: muốn con mình đi làm sớm, tự lập sớm, không phải nợ nần vì học phí. Nhưng tôi vẫn muốn nhắn nhủ đến tất cả những người làm cha mẹ, nếu có thể, xin hãy cho con bạn thêm một cơ hội học tiếp dù là cao đẳng, trung cấp hay các lớp nghề tử tế. Bố mẹ nào chẳng thương con, chẳng muốn con ổn định, đỡ khổ? Nhưng nếu con bạn đang học tốt, yêu trường lớp, có chí tiến thủ, xin hãy cho con một cơ hội. Học không chỉ để lấy bằng. Học là để biết sống, biết ước mơ, biết làm người.

Giáo dục chưa bao giờ là lãng phí. Những năm tháng học hành tử tế sẽ giúp người trẻ có nền tảng tốt hơn, tự tin hơn khi bước vào đời. Một người biết nghĩ, biết làm chủ bản thân, biết tự trọng, đó là thành quả của giáo dục. Và đôi khi, chỉ cần thêm 1-2 năm học nữa, các em sẽ bước ra khỏi vòng luẩn quẩn “lao động tay chân – thu nhập thấp – không có tiếng nói”.

Tôi cũng muốn gửi lời đến các nhà hoạch định chính sách, nếu thực sự muốn giữ sinh viên ở lại giảng đường, chúng ta cần nhiều hơn là học phí thấp. Chúng ta cần một hệ thống tín dụng sinh viên linh hoạt, cần học bổng dành riêng cho sinh viên cao đẳng có khao khát học hành. Và quan trọng nhất, chúng ta cần thay đổi nhận thức xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Học cao đẳng, trung cấp không phải là lựa chọn hạng hai mà là một con đường khác dẫn tới tương lai.

Tôi cũng mong các trường cao đẳng, trung cấp, sẽ có thêm những quỹ hỗ trợ cho sinh viên nghèo, dù nhỏ thôi, cho sinh viên. Vì đôi khi, chỉ cần hỗ trợ vài triệu đồng, vài lời động viên, tạo điều kiện trong các thủ tục ở trường là đủ níu giữ một sinh viên ở lại.

Vũ Thị Minh Huyền