Tôi chặt cây xoài 15 năm vì bị quá nhiều người ‘xin’ trái

Tôi chặt cây xoài 15 năm vì bị quá nhiều người ‘xin’ trái

bởi

trong
Tôi chặt cây xoài 15 năm vì bị quá nhiều người ‘xin’ trái

Sau mấy lần thấy đám thanh niên leo cây hái trái và nhiều phiền phức trước đó, tôi quyết định đốn hạ cây xoài.

Sân vườn nhà tôi có một cây xoài, trồng cũng hơn 15 năm. Tán cây mát mẻ, do nằm gần bờ tường rào đất nhà tôi với vỉa hè nên các nhánh cây nhô ra phía ngoài. Cây sum suê nên tôi làm một bộ bàn ghế đá, một cái võng, mỗi trưa uống trà, nằm hóng gió.

Nhưng rồi tôi đã phải chặt bỏ nó. Không phải vì cây hỏng, mà vì con người bên ngoài tường rào.

Từ ngày cây ra trái, dường như ai đi ngang cũng thấy mình có quyền “xin tí lộc”. Người thì chọi đá, người thì cầm cây sào kéo xuống. Con nít, người lớn, người quen, người lạ, đủ cả.

Có lần đang nằm trên võng, một cục đá rơi trúng mái tôn làm tôi giật mình. Lần khác, tôi nhắc nhẹ vài đứa nhỏ đang trèo lên thì bị cha mẹ chúng phản ứng lại: “Xoài nhiều vậy ăn sao hết mà tiếc?”.

Tôi không tiếc vài trái xoài. Nhưng tôi tiếc cái cách người ta xem nhẹ ranh giới của người khác. Cây xoài thì nằm trong sân tôi, nhánh có thò ra đường thì vẫn là của nhà tôi, chứ đâu phải đồ công cộng.

Nói mãi không được, tôi nhớ đến chuyện người Nhật sẵn sàng chặt bỏ cây ăn trái khi có người hỏi xin quả. Lúc đầu tôi thấy họ kỳ, sau này tôi mới hiểu vì sao họ làm vậy.

Mấy lần tôi thấy đám thanh niên leo cây hái xoài, tôi quyết định học người Nhật chặt bỏ luôn cây xoài này dù tiếc đứt ruột. Người leo lên được cây xoài thì tường hàng rào không còn ý nghĩa, người hái xoài leo được thì bọn trộm cũng leo được. Hơn nữa, rủi ro họ té ngã, thì mình lại gặp rắc rối.

Tôi chỉ mong chúng ta, những người đang sống trong cộng đồng này – đừng coi sự tiện tay là điều hiển nhiên. Cây người ta trồng, trái người ta chăm, dù có vươn ra đường, cũng là công sức, là tài sản, là quyền riêng tư.

Tiện tay một cách “vô tư” là nhặt khi thấy món gì ai đó bỏ quên, rơi vãi hay không có ai trông coi. Nhiều người “hồn nhiên” đến nỗi thấy đây là chuyện bình thường.

Ban đầu là “một chút”, là “có sao đâu”. Lòng tham không bao giờ bắt đầu bằng cái gì to tát cả. Nó bắt đầu từ những hành vi nhỏ được chấp nhận nhiều lần đến mức không còn thấy sai.

Cái “tiện tay” tạo ra sự dễ dãi, không còn sự ngăn nắp trong cách sống và cách nghĩ. Nếu ai cũng biết kìm cái tay lại một chút, không cần phải gắn camera, không cần hàng rào sắt, chỉ cần ai cũng giữ cho mình một lằn ranh tử tế.

Minh Hoàng