Tôi đuổi em họ của chồng ra khỏi nhà, anh không dám phản đối vì lý do này

Tôi đuổi em họ của chồng ra khỏi nhà, anh không dám phản đối vì lý do này

bởi

trong

Chúng tôi từng có cuộc sống yên bình đến mức đôi lúc, tôi đã quên mất mọi thứ bình yên quá cũng là một dạng nguy cơ. Cuộc hôn nhân 4 năm trôi qua không ồn ào, nhưng cũng chẳng thiếu sóng ngầm.

Một căn hộ mới ở quận 7 (TPHCM), một đứa con trai đang chập chững học nói và một người chồng hiền lành, yêu vợ, thương con. Tôi từng nghĩ: “Mình may mắn thật”.

Cho đến khi một vị khách đến gõ cửa, cuộc hôn nhân của tôi mới trở nên thật ngột ngạt. Cô bé tên Ly, là em họ xa của chồng, xa tới mức tôi phải vẽ sơ đồ cây gia phả mới hình dung được mối liên hệ.

Lần đầu gặp Ly là trong đám cưới của chính tôi. Khi ấy, em chỉ là học sinh lớp 9, tóc tết hai bên. Thật lòng mà nói, nếu không có bức ảnh cưới năm nào, tôi chẳng thể nhận ra nổi.

Tôi đuổi em họ của chồng ra khỏi nhà, anh không dám phản đối vì lý do này
Em họ xa của chồng khiến cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn (Ảnh minh họa: TD).

Ly đã khác. Em cao hơn tôi, da trắng hơn tôi, rất xinh đẹp. Em bảo mới tốt nghiệp cấp 3, lên thành phố học nghề làm tóc, chưa quen ai, xin gia đình tôi cho ở nhờ một thời gian.

Vì mẹ chồng tôi là người nhờ, tôi đã không biết từ chối thế nào cho phải phép. Chồng tôi cũng vui vẻ đồng ý, chẳng cần suy nghĩ lâu.

Tôi không phải kiểu đàn bà nhỏ nhen. Khi sắp xếp phòng, tôi còn mua thêm chăn mới, quạt mới và cả móc treo quần áo cho em. Tôi dặn lòng: “Cứ nghĩ như giúp đỡ người nhà, vài tháng trôi qua nhanh thôi”.

Nhưng một số thứ không dễ trôi qua như tôi tưởng. Chẳng biết từ bao giờ, những bữa ăn dần trở thành cuộc trò chuyện của hai người. Tôi ngồi cho con ăn cơm. Còn Ly ngồi đối diện, kể chuyện học nghề, chuyện mấy cô bạn cùng lớp, chuyện bị thầy la…

Rồi Ly kể sang cả chuyện hồi nhỏ anh Tín – chồng tôi – từng cõng em đi bơi như thế nào. Chồng tôi nghe chuyện mà cười tít mắt, gắp thức ăn cho em như hai anh em ruột thất lạc lâu ngày mới gặp lại.

Tôi không nói gì, tôi ngại lên tiếng. Tôi cảm thấy mình như người thừa. Mọi chuyện sẽ không trở nên đáng lo nếu chỉ dừng ở mấy bữa cơm.

Ly bắt đầu mặc áo hở vai, quần ngắn sát đùi khi đi lại trong nhà. Có hôm tôi đi làm về, thấy em nằm xem tivi với chồng tôi ở phòng khách, chân duỗi dài, đầu gối lên gối sofa trông rất khó chịu.

Tôi nói nhỏ với chồng: “Em sẽ nhắc Ly ăn mặc ý tứ lại một chút. Nhà có con nít, nhìn cũng không tiện”. Anh chỉ cười: “Em nhạy cảm quá. Con bé ở quê lên, chẳng suy nghĩ nhiều như mình đâu”.

Có thể, tôi nhạy cảm thật. Nhưng có thứ không thể giấu được, đó là ánh mắt. Tôi đã thấy ánh mắt của Ly khi nhìn chồng tôi. Nó không giống ánh mắt của một đứa em gái nhìn anh trai. Nó giống ánh mắt của một người đang ngưỡng mộ kiểu trai – gái.

Tôi đem chuyện này kể với cô bạn thân. Bạn tôi nghe xong chỉ nói đúng một câu: “Em họ hả? Máu mủ gì? Người ngoài có danh nghĩa trong nhà là đáng sợ nhất đấy”.

Tôi bắt đầu thấy mình như một con mèo ghen bóng ghen gió. Nhưng tôi không thể không nghĩ: Nếu một ngày tôi vắng nhà, chỉ còn hai người đó ở nhà, chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi tin chồng mình nhưng liệu anh có nhận ra sự thân mật kia đang vượt khỏi mức thân tình?

Sau một lần tôi về sớm bất ngờ và thấy Ly đang đứng trong bếp nấu mỳ, mặc đúng một chiếc áo sơ mi dáng dài, tôi đã biết mình lo lắng là đúng.

Tối đó, tôi nói thẳng: “Em nghĩ Ly nên dọn ra ngoài ở”. Chồng tôi giật mình nhưng cuối cùng cũng đồng ý. Anh bảo sẽ khéo léo nói chuyện, sắp xếp cho em ở trọ gần chỗ học nghề.

Ly rời khỏi nhà tôi vào cuối tuần đó. Em vẫn lễ phép, vẫn ngoan ngoãn, vẫn là cô em họ “ở quê lên” như lời giới thiệu ban đầu. Từ ngày Ly ra khỏi nhà, chồng tôi vẫn thường xuyên đến giúp đỡ em họ.

Tôi còn phát hiện anh lén lút đóng tiền học cho Ly. Mỗi khi tôi nhắc nhở, anh luôn miệng bảo tôi ghen quá đáng, cả họ hàng cũng… không tha.

Nhưng tôi biết cuộc sống của tôi bắt đầu đảo lộn rồi. Tôi phải làm gì để bảo vệ gia đình của mình trước “danh nghĩa người nhà” đây?

Góc “Chuyện của tôi” ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: [email protected]. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.