Tối hậu thư của ông Trump có thể trao cơ hội cho Nga

Tối hậu thư của ông Trump có thể trao cơ hội cho Nga

bởi

trong

Ông Trump ra tối hậu thư 50 ngày để Nga đồng ý chấm dứt xung đột, nhưng Moskva có thể tận dụng thời gian này để tăng cường tấn công và có thêm lợi thế đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/7 ra tối hậu thư với Nga, yêu cầu Moskva chấp nhận thỏa thuận hòa bình ở Ukraine trong vòng 50 ngày hoặc đối mặt với các lệnh trừng phạt mạnh tay vào nguồn doanh thu năng lượng quan trọng.

Thông báo đã thắp lên hy vọng ở Ukraine rằng lãnh đạo Mỹ cuối cùng đã cứng rắn hơn với Nga. Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích, việc ông Trump ra thời hạn 50 ngày, quãng thời gian khá dài với những diễn biến chóng vánh trên chiến trường Ukraine, có thể tạo điều kiện cho Nga tăng cường đà tấn công mùa hè để giành lợi thế tối đa.

“Khi ông Trump ra tối hậu thư như vậy, Nga sẽ tin rằng mình có 50 ngày để tự do hành động”, nhà khoa học chính trị Igor Reiterovich, chuyên gia phân tích các vấn đề chính trị, xã hội và xung đột liên quan đến Ukraine, Nga và khu vực Đông Âu, nhận định.





Tối hậu thư của ông Trump có thể trao cơ hội cho Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến tại dinh thự Novo-Ogaryovo, ngoại ô Moskva ngày 13/2. Ảnh: AP

Reiterovich dự đoán Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không nhượng bộ trước tối hậu thư của ông Trump, thay vào đó sẽ thúc đẩy hành động trên chiến trường, khi lực lượng Nga đang chiếm thế áp đảo ở nhiều mặt trận.

“Nga sẽ mở thêm các đợt tấn công mới ở Ukraine trong vài tuần tới. Mục tiêu là khi gần tới hạn chót ông Trump đưa ra, ông Putin có thể tuyên bố rằng tất cả mục tiêu đề ra đã đạt được và Nga sẽ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán”, chuyên gia này nhận định. Khi đó, vị thế của Nga trên bàn đàm phán sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều.

Một số người Ukraine cũng lo ngại khả năng này. “Thời hạn 50 ngày là mối lo lớn, bởi ông Putin có thể coi đó là tín hiệu đèn xanh để tăng cường cuộc tấn công”, Oleksandr Merezhko, chủ tịch ủy ban đối ngoại quốc hội Ukraine, nói.

Kể từ mùa xuân, lực lượng Nga đã đẩy nhanh tốc độ kiểm soát thêm lãnh thổ ở miền đông Ukraine, tiến gần các thành trì quan trọng và tạo tiền đề cho mục tiêu giành toàn bộ vùng Donetsk.

Nếu quân đội Nga chiếm được những vị trí chiến lược này, họ sẽ rộng đường tiến sâu hơn về phía tây, tới tỉnh miền trung Dnipropetrovsk của Ukraine, gây áp lực lớn lên tinh thần chiến đấu của Kiev và tăng cường đòn bẩy cho Điện Kremlin trong bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Ngoài các cuộc tiến công ở Donetsk, các chuyên gia cũng lo ngại rằng khoảng thời gian 50 ngày còn có thể giúp Nga củng cố các mặt trận khác, đặc biệt là việc thiết lập vùng đệm. Ông Putin gần đây mô tả cuộc tấn công vào tỉnh Sumy ở đông bắc Ukraine là một phần trong nỗ lực tạo “vùng đệm” bảo vệ lãnh thổ Nga khỏi các cuộc tấn công tiềm tàng vào tỉnh Kursk.

Thủ phủ Sumy, thành phố khoảng 268.000 dân, cách biên giới Nga khoảng 30 km. Ông Putin nói Nga không có ý định đánh chiếm thành phố vào lúc này, nhưng không loại trừ khả năng đó.

Lực lượng Nga cũng đã đẩy mạnh cuộc tấn công ở tỉnh Kharkov lân cận. Nỗ lực của Nga ở Sumy và Kharkov gần đây không đạt được nhiều bước tiến khi vấp phải kháng cự của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, một số nhà bình luận nói Moskva có thể hy vọng tận dụng những gì đã đạt được làm con bài mặc cả trong cuộc đàm phán, như dùng chúng để đổi lấy các phần lãnh thổ ở Donetsk mà Ukraine còn kiểm soát.

“Việc hoán đổi lãnh thổ được đưa vào đàm phán là kịch bản khá thực tế”, Mikhail Karyagin, chuyên gia chính trị thân cận với Điện Kremlin, nói.

Các nhà bình luận quân sự Nga thừa nhận máy bay không người lái (UAV) của Ukraine có thể gây khó khăn cho lực lượng nước này. Tuy nhiên, họ thêm rằng Nga đặt mục tiêu khiến Ukraine kiệt sức bằng chiến lược “nghìn nhát cắt”, liên tục tăng áp lực ở mặt trận và tăng cường tấn công tầm xa vào các cơ sở hạ tầng quan trọng ở hậu phương Ukraine.

“Quân đội Nga muốn làm đối phương kiệt sức đến mức họ không thể duy trì phòng tuyến, sau đó Moskva sẽ đạt được một số thành công quan trọng để định đoạt kết quả cuộc chiến”, Sergei Poletayev, nhà phân tích quân sự ở Moskva, nói. “Mục tiêu không phải là tiến công vào đâu và với tốc độ ra sao, cũng như không cần phải chiếm được chỗ này chỗ kia. Chiến lược ở đây là nhắm vào chính quân đội đối phương”.





Khói lửa bốc lên tại thủ đô Kiev, Ukraine, trong cuộc tập kích của Nga đêm 24/5. Ảnh: Reuters

Khói lửa bốc lên tại thủ đô Kiev, Ukraine, trong cuộc tập kích của Nga đêm 24/5. Ảnh: Reuters

Các cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào Ukraine trong hai đêm liên tiếp sau khi ông Trump ra tối hậu thư cho thấy Moskva không lay chuyển lập trường. Theo số liệu do không quân Ukraine công bố và ABC News phân tích, trong đêm 14-15/7, Nga đã phóng 667 UAV và một tên lửa vào nước láng giềng.

Trong 50 ngày trước thông báo của ông Trump, Nga đã phóng tổng cộng 9.618 UAV và 349 tên lửa vào lãnh thổ Ukraine, với trung bình khoảng 192 UAV và 7 tên lửa mỗi ngày.

Kiểu tấn công này của Nga cho thấy 50 ngày tới có thể còn khó khăn hơn nhiều với Ukraine. Kể từ tháng 5, Nga đã liên tục tăng quy mô tấn công bất chấp những nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn của ông Trump.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói với TASS rằng việc áp đặt bất kỳ yêu cầu nào với Nga là “không thể chấp nhận được”, thêm rằng lập trường của Điện Kremlin là “không thể lay chuyển”.

Theo giới phân tích, Ukraine cần nhanh chóng nhận được các lô vũ khí phòng thủ từ đồng minh để có thể ngăn chặn các đòn tấn công được dự báo là sẽ ngày càng khốc liệt của Nga.

“Tốc độ tấn công của Nga đang gia tăng và chiến dịch mùa hè có khả năng gây áp lực lớn lên lực lượng Ukraine”, Jack Watling, thành viên Viện nghiên cứu RUSI ở London, nói.

Thùy Lâm (Theo AP, ABC News, The Gaze)