‘Tôi học lái xe toàn được dạy mẹo căn vạch, điểm mốc để đi thi’

‘Tôi học lái xe toàn được dạy mẹo căn vạch, điểm mốc để đi thi’

bởi

trong
‘Tôi học lái xe toàn được dạy mẹo căn vạch, điểm mốc để đi thi’

‘Khi ra đường thật, giáo viên can thiệp bằng cách kéo vô lăng, đạp phanh phụ để ‘qua bài’, thay vì hướng dẫn cách xử lý tình huống thực tế’.

“Tôi vừa học lái xe và được cấp bằng lái ôtô vào tháng 5/2024, nhưng đến nay vẫn cảm thấy lo lắng mỗi khi ra đường, bởi quá trình học lái xe trước đó quá sơ sài và mang tính hình thức.

Bài học làm quen xe, vô lăng, chân phanh, ga, dây an toàn… chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, trong khi thầy giáo tranh thủ ra ngoài hút vài điếu thuốc, trong khi tôi đánh giá bài này rất quan trọng. Phần thực hành trong sa hình chủ yếu là học mẹo căn vạch, điểm mốc để thi đậu. Khi ra đường thật, giáo viên can thiệp bằng cách kéo vô lăng, đạp phanh phụ để ‘qua bài’, thay vì hướng dẫn cách xử lý tình huống thực tế.

Kết quả là nhiều học viên, như tôi, dù có bằng vẫn phải tự luyện thêm nhiều tuần, hoặc phải tìm đến các khóa ‘nâng cao kỹ năng lái xe’ bên ngoài mới dám tự tin cầm lái đường dài. Bản thân tôi phải lái xe đường vắng mất mấy tuần sau khi mua xe mới dám lái một chuyến đường cao tốc về quê”.

Đó là chia sẻ của độc giả về những trải nghiệm học lái xe và thi bằng lái trong nước. Chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe hiện nay vẫn đang còn là một câu hỏi, bởi chưa có bất cứ sự đánh giá, công nhận có thẩm quyền nào. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra những bất cập của chương trình đào tạo, nội dung sát hạch cũng như tiêu chuẩn giáo viên lái xe. Còn các hoạt động thanh tra, kiểm tra đều chỉ tập trung vào việc tuân thủ quy định thay vì chất lượng.

Cho rằng chất lượng đào tạo lái xe phụ thuộc vào đội ngũ giảng dạy, bạn đọc bình luận: “Chúng ta chưa thật sự đầu tư đúng chuẩn vào người dạy thì người học đương nhiên sẽ không đặt việc học lý thuyết thành kiến thức quan trọng phải cập nhật. Ngày tôi học bằng lái, giáo viên cũng giảng rất hời hợt, bám theo đề cương để không rớt là chính, còn tại sao luật quy định như vậy và những kiến thức khác liên quan thì không nói đến”.

>>

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, độc giả nhận định: “Trước đây, tôi cũng tham gia học bằng B2 tại một Trung tâm nghề có tiếng tại TP HCM. Khi xong phần lý thuyết, chuyển sang học tay lái, thầy dạy thấy tôi chạy ổn có nói: ‘Nếu anh bận công việc thì có thể cứ nghỉ, khi nào gần thi thì tập ở sa hình trực tiếp vài tiếng là ổn’.

Nghe vậy, tôi chỉ cảm ơn và khẳng định sẽ học đầy đủ để thi lấy Giấy phép lái xe một cách thực chất, vì xe là tài sản của tôi và trên xe còn có vợ con hay anh em, bạn bè nên tôi không thể chủ quan. Thầy dạy lái nói rằng: ‘Đa số người học (lúc đó) đều chỉ có mục đích lấy được bằng lái chứ ít người nghĩ được như vậy’.

Và tới giờ, sau gần 20 năm cầm lái, với ba đời xe khác nhau, tôi vẫn luôn đề cao an toàn và chấp hành luật giao thông đường một nghiêm túc nhất có thể. Tôi vẫn chưa gặp phải sự cố gì đáng tiếc dù từng lái xe đưa gia đình đi xuyên Việt ba lần.

Và bây giờ, khi ôtô đã trở nên phổ biến, đúng nghĩa là một loại phương tiện phục vụ cuộc sống hiện đại, chứ không còn coi là một tài sản của người có điều kiện, thì việc học và thi Giấy phép lái xe càng cần phải làm nghiêm túc. Quy trình đào tạo cần phải chặt chẽ và thiết thực hơn chính là vì một cuộc sống an toàn hơn”.

Thành Lê tổng hợp