
‘Tôi chưa kịp định hình thì hai chân đã không chạm đất và bay lên không trung’.
“Tôi là một người vừa mới trải nghiệm dịch vụ dù lượn tại Đà Nẵng. Trước khi tham gia, người chơi phải ký miễn trừ trách nhiệm với bên dịch vụ. Một khi đã ký thì phải chấp nhận rủi ro lớn nhất có thể xảy ra.
Từ lúc tôi lên ôtô để lên đỉnh Bàn Cờ rồi bay xuống diễn ra tổng cộng tầm 15 phút. Thực sự, thời gian huấn luyện viên thao tác trước khi ‘bay’ rất nhanh, tôi còn chưa định hình gì thì khoảng hai phút sau, chân đã không chạm đất và bay lên không trung rồi.
Đúng là độ an toàn còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan như gió, mây…. Qua sự việc này, cần tìm hiểu kỹ, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với bên cung cấp dịch vụ để đảm bảo cho người tham gia sau này”.
Độc giả chia sẻ trải nghiệm dù lượn như trên. Bình luận này được viết sau tại Đà Nẵng, ngày 8/7. Nhiều độc giả chia sẻ trải nghiệm cũng như bày tỏ mối lo ngại của mình.
Độc giả cho biết: “12h trưa ngày 6/7/2025, tôi ngồi xem dù lượn tại vị trí này và tự nghĩ: Họ có chứng chỉ để bay (phi công chắc chắn có, nhưng đơn vị nào cấp và có đúng là sử dụng người có bằng hay không?).
Dù lượn sử dụng các sợi dây cước, sau bao nhiêu lần bay họ phải thay dây? Sau mỗi lần bay thì dây có được bảo trì hoặc kiểm định định kỳ hay không?
Tôi có đến hỏi, và các bạn nói giá 1,8 triệu đồng cho một lần bay, rồi hỏi tôi có bay không. Tôi nói tôi mới đi từ từ Nha Trang đến Đà Nẵng nên cần nghỉ ngơi.
Thật lòng, tôi rất muốn cho cô con gái 7 tuổi của tôi sử dụng dịch vụ này, nhưng những câu hỏi trong tôi vẫn luôn áy náy và không biết thế nào”.
Là người từng trải qua bay dù lượn ở nơi khác, độc giả nói:
“Tôi đã từng bay dù lượn ở một địa điểm du lịch, và đó là lần cuối cùng tôi xác định đi dù lượn. Quá nguy hiểm. Tôi từng nghĩ, nếu mà rơi xuống thì chỉ có chết chứ không sống được. Sau khi tôi đi xuống, đến lượt con tôi thì tôi không cho bay dù lượn nữa”.
Dịch vụ dù lượn không động cơ tại bán đảo Sơn Trà được Đà Nẵng thí điểm từ tháng 6/2023. Hiện có 5 doanh nghiệp đủ điều kiện được cấp phép khai thác. Giá dịch vụ dao động từ 1,35 đến 1,8 triệu đồng một suất bay.
Trước chuyến bay, du khách thực hiện đầy đủ quy trình khai báo, mua bảo hiểm và ký cam kết miễn trừ trách nhiệm.
Dù lượn có tính chất của thể thao mạo hiểm, độc giả nickname không phủ nhận rủi ro, nhưng nhấn mạnh cần siết chặt điều kiện kinh doanh:
“Không phải cứ có sự việc gây chết người là cấm, nhưng cần nghiêm túc xem xét lại việc cấp dịch vụ bay dù lượn với điều kiện cụ thể. Theo đó cần đặt những câu hỏi:
1. Phi công, người lái dù lượn là tự học, tự trải nghiệm lái hay đã qua trường lớp?
2. Việc kiểm định thiết bị bay tuân theo tiêu chuẩn nào? Kiểm tra định kỳ bao lâu một lần? Bảo dưỡng theo cơ chế nào? Ai giám sát?
3. Người chơi (du khách) cần được đào tạo về các tình huống phát sinh thì xử lý như thế nào hay không? Yêu cầu sức khỏe ra sao? Cần mang thiết bị gì (ví dụ dù dự phòng)?
4. Điều kiện cất cánh của dù lượn là như thế nào? Ví dụ điều kiện gió cấp mấy, có mây mù hay không…
5. Quy trình bay có ai giám sát không? Ai trong công ty bay dù lượn kiểm tra theo quy trình từng chuyến bay (ví dụ thắt dây an toàn chưa, xác nhận điều kiện sức khỏe, hướng dẫn cách chơi…) trước khi cho phi công cất cánh?
Khi chơi, nhiều khách chỉ quan tâm cảm giác khám phá điều mới mẻ, để trải nghiệm hay để đăng Facebook, TikTok. Cũng không ít khách không lường hết rủi ro.
Tôi cũng mong điều kiện kinh doanh cần siết chặt lại và thông tin rõ ràng với du khách để việc bay dù lượn an toàn hơn, và cũng để du khách tăng cường nhận thức về việc mình đang chơi trò chơi mạo hiểm, có rủi ro cao”.
Hữu Nghị tổng hợp