Tôi làm chủ tiệm hớt tóc doanh thu 70 triệu, chi phí 43 triệu

Tôi làm chủ tiệm hớt tóc doanh thu 70 triệu, chi phí 43 triệu

bởi

trong
Tôi làm chủ tiệm hớt tóc doanh thu 70 triệu, chi phí 43 triệu

Để đạt được doanh thu này, vợ chồng tôi phải thuê hai người làm, tiền mặt bằng, điện nước là những chi phí cố định.

“Tôi làm nghề cắt tóc tại quê, mỗi tháng doanh thu tầm 70 triệu. Với doanh thu đó, hai vợ chồng phải thuê thêm công nhân làm việc. Trừ tiền nhà (5 triệu vì mặt bằng đẹp), tiền 2 nhân viên 16 triệu, điện nước 7 triệu, tiền dùng hóa chất trong tháng 15 triệu (chưa tính tiền ăn và tiền hao mòn máy móc).

Chi tiêu trong nhà (ăn uống) mất tầm 20 triệu nữa thì hai vợ chồng thu nhập tầm 15 triệu sau chi tiêu. Vậy mỗi năm sẽ dư tầm 150 triệu. Nếu tính thuế 7% cho gia cảnh như hộ nhà tôi thì mỗi năm tôi còn 100 triệu. Khó để vươn lên quá cho một hộ kinh doanh mẫu mực”.

Độc giả chia sẻ như trên, ủng hộ với hộ kinh doanh nhỏ để đảm bảo an sinh.

Chia sẻ tương tự, độc giả nói: “Ngành hàng tạp hóa vốn thì cao nhưng tiền lãi thì thấp. Có mặt hàng tiền vốn từ 900 nghìn đến một triệu đồng, nhưng tiền lời chỉ được 15 nghìn – 20 nghìn đồng.

Có khi giao hàng rồi bị hẹn chiều trả tiền hoặc vài hôm trả, đi tới đi lui đòi hoài chả được đồng nào xem như mất luôn vốn. Có khi hàng bị hao hụt, bị hư hỏng, rồi nào là chi phí vận chuyển, bao bì…

Tôi nghĩ cũng nên phân loại ngành hàng, hộ kinh doanh hoặc xem xét giảm trừ chi phí khoản nào có hóa đơn, hợp đồng…”.

Độc giả đề xuất cần có sự phân tầng hợp lý giữa các loại hình kinh doanh hộ cá thể: “Theo tôi, nên phân loại mô hình hộ kinh doanh theo nhiều mức và có mức thuế khoán cho phù hợp.

Có thể chia từ mức có doanh thu một tỷ đồng một năm đến 12 tỷ đồng một năm. Doanh thu từ 12 tỷ đồng một năm bắt buộc lên doanh nghiệp. Có chính sách khuyến khích rõ ràng để người kinh doanh thấy lợi ích khi đăng ký mức thuế khoán sát với doanh thu thực.

Bản chất hộ kinh doanh tức là mô hình kinh doanh gia đình. Để duy trì đời sống sinh hoạt với một hộ (2-4 người), thì doanh thu chưa trừ chi phí 1 tỷ một năm chưa phải là cao vì hình thức này không được khấu hao chi phí đầu vào”.

Độc giả nói: “Tôi là một công dân và là hộ kinh doanh cá thể đang theo dõi sát các chính sách thuế hiện hành, xin được có ý kiến góp ý về ngưỡng áp dụng thuế khoán cho hộ kinh doanh.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 70 và hướng dẫn của Tổng cục Thuế, hộ kinh doanh có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm phải chuyển sang hình thức kê khai thuế theo hóa đơn điện tử, không còn được áp dụng thuế khoán.

Tuy nhiên, tôi đề xuất nên nâng ngưỡng này lên 2 tỷ đồng một năm, vì các lý do sau:

Thứ nhất, phù hợp với thực tế chi phí kinh doanh hiện nay: Giá cả nguyên vật liệu, nhân công và chi phí mặt bằng đều tăng đáng kể so với giai đoạn ban hành mốc 1 tỷ. Mốc 1 tỷ hiện nay có thể chỉ còn là mức duy trì hoạt động, không còn là dấu hiệu của “kinh doanh lớn”.

Thứ hai, giảm áp lực hành chính, chi phí tuân thủ: Việc chuyển sang kê khai đòi hỏi hộ kinh doanh phải có trình độ kế toán, công nghệ và thời gian quản lý mà không phải ai cũng đáp ứng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.

Thứ ba, tránh nguy cơ bỏ kinh doanh hoặc “lách luật”: Mức sàn quá thấp dễ khiến nhiều hộ ngại kê khai, dẫn đến tình trạng “trốn tránh” nghĩa vụ hoặc không khai báo trung thực.

Thứ tư, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chính là lực lượng giúp duy trì sức sống của nền kinh tế địa phương.

Vì vậy, tôi kiến nghị nâng ngưỡng áp dụng thuế khoán từ 1 tỷ lên 2 tỷ đồng một năm, ít nhất trong giai đoạn từ 2025-2030, để hỗ trợ và khuyến khích kinh doanh nhỏ lẻ phát triển bền vững”.

Hữu Nghị tổng hợp