
Sau một năm đại học, tôi bắt đầu hoang mang, lo lắng rằng mình đã chọn sai ngành.
Tôi sắp là sinh viên năm hai ngành Quản trị Kinh doanh. Sau một năm học, tôi bắt đầu hoài nghi về lựa chọn của mình, rằng liệu ngành học này có thực sự phù hợp với bản thân? Điều này khiến tôi thấy lạc lõng, trong khi nhiều bạn bè lại thể hiện đam mê và định hướng rõ ràng.
Thực tế, theo một khảo sát năm 2022 của một nền tảng tìm việc làm, với gần 3.000 người trẻ, gần 60% cho biết họ làm việc trái ngành sau khi ra trường, và hơn 41% cảm thấy không hài lòng với ngành học đại học của mình.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy tỷ lệ sinh viên chuyển ngành, bỏ học giữa chừng hoặc học xong nhưng theo đuổi lĩnh vực khác ngày càng cao.
Tôi thấy sự chênh vênh ấy là điều phổ biến. Nhiều sinh viên chọn ngành vì điểm thi phù hợp, vì mong muốn của cha mẹ hoặc vì “nghe nói ngành này dễ xin việc”.
Nhưng khi trải nghiệm thực tế, họ mới nhận ra rằng học đại học không chỉ là tích lũy kiến thức chuyên môn, mà còn là hành trình khám phá bản thân, một hành trình đôi khi cần những cú va chạm để tỉnh táo nhìn lại.
Nhiều người khuyên tôi là chọn sai ngành không có nghĩa là kết thúc. Trong xã hội hiện đại, ngành học không còn là yếu tố quyết định duy nhất đến sự nghiệp. Kỹ năng, tư duy, trải nghiệm thực tế và khả năng thích ứng mới là nền tảng quan trọng.
Dẫn chứng một thống kê từ LinkedIn (mạng xã hội liên quan đến công việc) cho thấy hơn 50% người lao động từng trải qua ít nhất một lần chuyển hướng nghề nghiệp lớn. Điều này cho thấy con đường sự nghiệp ngày nay không còn tuyến tính.
Có lẽ, tôi phải chọn cách học thêm các kỹ năng mềm, tham gia nhiều hoạt động để khám phá thêm về bản thân, học được gì trong những năm tháng đại học. Có người đi đúng đường từ đầu, nhưng cũng có người phải đi lòng vòng mới đến đích.
Vậy, liệu chọn sai ngành có là kết thúc, hay chỉ là một cơ hội để bắt đầu lại tốt hơn?
Việt Anh