
Tôi sợ sẽ giống mẹ, có những vết thương chẳng bao giờ lành; sợ gặp và cưới phải người đàn ông giống người mà mình vẫn gọi là bố.
Mọi người hay nhận xét tôi là người ưa nhìn, nhẹ nhàng và trầm tính, đôi khi khó gần, khó làm quen. Còn sau những gì mọi người thấy, tôi từng trải qua nhiều tổn thương và đến tận bây giờ vẫn chưa bước ra khỏi nó. Tôi chứng kiến sự tan vỡ từ cuộc hôn nhân của bố mẹ, những ký ức đó đã ám ảnh đến nỗi mỗi khi nhớ về lòng lại quặn đau. Những câu nói đầy cay nghiệt, những hành động ghê sợ và có những điều tôi còn không nghĩ nó sẽ xảy ra.
Những vết sẹo đọng lại khi chứng kiến bạo lực gia đình sẽ mãi nằm yên ở đó, là nỗi xấu hổ với mình, tuy không có vết sẹo rõ ràng trên cơ thể nhưng trong lòng lại mang những vết thương vô hình. Đó cũng là lý do khiến tôi khát khao được đi đến một nơi khác, không phải để trốn tránh mà để phát triển, để được sống làm chính mình, để không bị người ngoài nhìn vào với ánh mắt kỳ lạ. “Đứa này là con của gia đình mà bố nó đánh mẹ nó ghê lắm. Bố nó còn bất hiếu, nghiện”. Tôi từng có suy nghĩ sẽ không quay trở về nơi ấy, nơi khiến tôi như gục ngã, có những lúc mình phải ăn cơm chan nước mắt.
Sau này lớn hơn chút, 19 tuổi, tôi có thể tự lo cho mình phần nào. Tôi được sống, trải nghiệm và chữa lành bởi những mối quan hệ bạn bè. Nhưng khi có ấn tượng với ai hoặc ai đó muốn tìm hiểu về mình, tôi lại đắn đo và không muốn điều đó. Phải chăng tôi sợ rằng mình sẽ giống mẹ, sẽ có những vết thương chẳng bao giờ lành. Tôi sợ yêu, tôi sợ gặp và cưới phải người đàn ông giống người mà mình vẫn hay gọi là bố. Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để ôm ấp cả cuộc đời, đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ.
Ngọc Ngân