Anh là người đàn ông ngoài 30 tuổi, làm trong ngành truyền thông. Anh có mức lương không tệ nhưng ở thành phố đắt đỏ này, “không tệ” cũng không đủ để sống một mình. Đó là lý do anh vẫn ở lại trong mối quan hệ đã cạn tình vì đơn giản, anh không đủ tiền để rời đi.
“Tôi từng nghĩ chia tay là chuyện của trái tim”, anh kể với tôi trong buổi chiều ngồi ở quán cà phê nhỏ ven đường. “Nhưng đến một lúc nào đó, bạn nhận ra, trái tim không thắng nổi tiền thuê nhà”.

“Thuế độc thân” đáng sợ đã tăng vọt 40% chỉ trong 3 năm. Đối với người trẻ, việc chia tay có thể phải trả một cái giá thực sự đắt đỏ (Ảnh minh họa: Ievgen Chabanov).
3 năm yêu nhau, anh và cô ấy có hai năm đầu ngọt ngào, lãng mạn. Tuy nhiên, năm cuối cùng là chuỗi ngày căng thẳng, mệt mỏi, đầy những cuộc cãi vã không đầu, không cuối của cả hai.
Anh không còn cảm giác muốn ở bên cô nhưng anh cũng không thể tưởng tượng được cảnh mình dọn ra ngoài, thuê một căn phòng khác, gồng gánh chi phí sinh hoạt một mình giữa thời buổi giá cả leo thang.
“Chia tay không phải chỉ là kết thúc câu chuyện tình yêu”, anh cười buồn. “Nó là loạt các chi phí kéo theo. Tiền đặt cọc chỗ ở mới. Tiền mua lại đồ đạc. Tiền lấp đầy những khoảng trống bằng một chuyến đi, vài cuộc vui hay đơn giản là một bữa tối không cần nhìn giá. Tuy nhiên, tôi không có nổi những thứ đó”.
Thật ra, anh không phải là ngoại lệ. Theo khảo sát toàn quốc của Self Financial, gần 1/4 người Mỹ đang mắc kẹt trong mối quan hệ mà họ không thể rời bỏ vì lý do tài chính.
Ở những thành phố như New York (Mỹ), nơi mọi thứ đều đắt đỏ và nỗi cô đơn thì chẳng miễn phí, việc sống cùng người yêu, dù không còn hạnh phúc, có thể giúp một người tiết kiệm hơn 50.000 USD mỗi năm (hơn 1,2 tỷ đồng). Một con số đủ khiến bất kỳ trái tim tan vỡ nào cũng phải… suy nghĩ lại.
Với thế hệ trẻ hiện nay, thế hệ của những trái tim nhạy cảm nhưng tài khoản ngân hàng không mấy dồi dào, cái giá của chia tay trung bình là 3.862 USD (hơn 100 triệu đồng).
Đằng sau mỗi lần “dứt áo ra đi” là chuỗi những khoản chi tiêu chữa lành: Mua sắm, du lịch, những buổi tiệc nhảy múa và cuối cùng là hóa đơn nhà nặng trĩu.
Anh kể, anh từng mở ứng dụng thuê nhà, kéo xuống xem các lựa chọn rồi lại tắt. “Không nơi nào tôi đủ sức thuê mà không phải hy sinh chất lượng sống. Tôi đã quá mệt mỏi để sống khổ thêm một lần nữa, chỉ vì muốn được tự do”.
Nhưng cái giá của việc ở lại cũng không hề nhỏ. Theo khảo sát của Self, có 86% các cặp đôi từng cãi nhau vì tiền và 41% chia tay vì nguyên nhân đó.
Không ai dạy chúng ta rằng, tình yêu cũng cần ngân sách. Càng không ai dạy có những cuộc chia tay chỉ xảy ra trong đầu, còn ngoài đời vẫn phải cùng nhau đóng tiền điện.
Anh kể với tôi có lần anh suýt bỏ bạn gái rồi rời đi. Vali, đồ đạc đã soạn xong nhưng rồi anh nhìn số dư tài khoản và thở dài, đặt lại quần áo về vị trí cũ.
“Tôi thấy mình thảm hại”, anh thở dài. “Không phải vì còn yêu, mà vì không đủ tiền để dừng lại”.
Chuyên gia tài chính Alex Beene từng nhận định: “Việc ở lại vì tiền có vẻ thông minh trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ khiến cả hai mắc kẹt trong sự rắc rối về tài chính và cảm xúc”.
Chúng ta thường mơ về tình yêu lãng mạn nhưng lại bị thực tế kéo về bởi những con số. Không ai dạy chúng ta cách buông tay một người khi chi phí sống còn quá cao. Không ai dạy chúng ta cách cân bằng giữa tự do và sinh tồn.
Và với nhiều người như anh, tình yêu bây giờ không tan vì hết tình, mà tan dần trong những hóa đơn chưa thanh toán.
Góc “Chuyện của tôi” ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: [email protected]. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.