Sáng 18.5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, những chuyển biến mạnh mẽ sâu sắc của thế giới đang tạo ra thách thức nhưng cũng là cơ hội cho tất cả các quốc gia.
“Ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức thì sẽ thành công. Nếu không thì kết quả sẽ ngược lại và sẽ rơi vào hoàn cảnh “trâu chậm uống nước đục”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
ẢNH: TUẤN MINH
Theo Tổng Bí thư, sau 40 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, song phải thẳng thắn nhìn nhận phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, những đổi mới, cải cách tập trung vào 4 đột phá: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và mới đây là Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
“Đến thời điểm hiện nay, có thể gọi 4 nghị quyết trên là “bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh”, Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng Bí thư nêu rõ, những thách thức nội tại và bên ngoài đang đan xen, tạo sức ép lớn, buộc chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm và mô hình phát triển. Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy.
“Chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước ta vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới”, Tổng Bí thư khẳng định.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan triển lãm kinh tế tư nhân. Tại gian hàng của Tập đoàn TH, Tổng Bí thư dặn dò Tập đoàn TH “đưa người nông dân cùng đi”, làm thực phẩm sạch, chăm lo sức khỏe người dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em
ẢNH: GIA HÂN
“Tỉnh nghèo đều do doanh nghiệp không phát triển được”
Nói về việc phát triển kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết 68 xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Quan điểm này đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức chiến lược về vai trò của khu vực tư nhân: từ vị trí thứ yếu trở thành trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo thành thế “kiềng ba chân” vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.
Dẫn chuyện một quận, huyện của Hà Nội, TP.HCM như Hoàn Kiếm nhưng thu ngân sách bằng một tỉnh, thậm chí bằng 2 – 3 tỉnh, Tổng Bí thư nói nguyên nhân chính là các quận, huyện này dựa vào doanh nghiệp, kinh doanh, dịch vụ.
“Có tỉnh nói với tôi, con đường phát triển của địa phương chủ yếu là về T.Ư xin ngân sách, xin kế hoạch. Phụ thuộc như thế thì không phát triển được. Tiền trong dân rất nhiều, gửi ngân hàng rất nhiều nhưng tỉnh không tiêu được. Người dân không biết sản xuất, kinh doanh, không mở doanh nghiệp thì làm sao tỉnh thu được thuế mà người dân rất vất vả”, Tổng Bí thư nói, cho rằng những tỉnh nghèo đều do doanh nghiệp không phát triển được.
Trên tinh thần đó, Nghị quyết 68 đặt ra các yêu cầu cải cách mạnh mẽ, từ hoàn thiện thể chế, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, minh bạch, ổn định; mở rộng tiếp cận đất đai, tín dụng; tháo gỡ tận gốc các điểm nghẽn thể chế và chính sách…

Tổng Bí thư khẳng định, tiền trong dân rất nhiều, nhiều tỉnh nghèo đều là do người dân không biết sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không phát triển
ẢNH: TUẤN MINH
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 68 là đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân: từ việc “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”. Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.
Về tạo đột phá thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết 57 xác định rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
“Chúng ta muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, không có con đường nào khác ngoài con đường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Tổng Bí thư khẳng định.
Về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Tổng Bí thư cho biết, Nghị quyết 66 đã xác định đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
“Thể chế pháp luật là động lực, là nền tảng cho phát triển đất nước. Một hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch sẽ tạo ra môi trường ổn định cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và loại bỏ triệt để các rào cản do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Về hội nhập quốc tế, theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 59 là quyết sách đột phá, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, xác định hội nhập là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới. Nghị quyết xác định hội nhập quốc tế không chỉ là mở cửa, giao lưu, mà là một sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, tích cực và bản lĩnh.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại hội nghị
ẢNH: TUẤN MINH
Từ “quản lý” sang “phục vụ”
Tổng Bí thư nhấn mạnh, 4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Theo Tổng Bí thư, nhiệm vụ đặt ra tại 4 nghị quyết nói trên cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới. Trong đó, năm 2025 là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới. Do đó, nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu. Vì vậy, cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá.
Tổng Bí thư khẳng định, hơn bao giờ hết, hiện nay, T.Ư Đảng là một khối đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, chuẩn bị thật tốt để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
Kể từ Hội nghị Trung ương X khóa XIII (9.2024) đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những “điểm nghẽn”, tạo không gian phát triển mới cho đất nước.
Cùng đó, triển khai quyết liệt tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại đơn vị hành chính để “cất cánh”… Theo Tổng Bí thư, những công việc nêu trên không chỉ được cán bộ, đảng viên nghiêm túc triển khai mà điều quan trọng hơn là hầu hết nhân dân trong cả nước theo dõi, đồng tình, ủng hộ, coi đây thực sự là cuộc cách mạng của đất nước trong thời kỳ mới.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Vì “biết đồng sức, biết đồng lòng/việc gì khó, làm cũng xong”.