Ngày 21.7, Viện KSND tối cao tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm sát nhân dân và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Viện KSND tối cao.
Cũng nhân dịp này, Viện trưởng KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp kiểm sát” cho các cá nhân có công lao đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành, tuyên dương 9 tập thể điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong công tác.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ
ẢNH: TTXVN
“Có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai“
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành quả to lớn mà ngành kiểm sát đã đạt được trong suốt 65 năm qua.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, vai trò, trách nhiệm của ngành kiểm sát trong thời gian tới rất quan trọng; là một trong những trụ cột bảo vệ công lý; là thành tố quan trọng trong xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; góp phần kiến tạo một xã hội kỷ cương, công bằng, dân chủ, văn minh – nơi công lý được thực thi, pháp luật được thượng tôn và lòng dân được củng cố.
Để thực hiện tốt sứ mệnh như đã nêu, Tổng Bí thư đề nghị công tác của ngành kiểm sát phải luôn bám sát và phục vụ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của đất nước trong kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.
Đội ngũ cán bộ kiểm sát cần được xây dựng theo hướng có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu, đạo đức trong sáng, kỷ luật nghiêm minh, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai. Mỗi cán bộ kiểm sát phải nhận thức rõ rằng mình đang tham gia trực tiếp vào sứ mệnh bảo vệ nền tảng pháp lý cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư yêu cầu không ngừng đổi mới tư duy, biện pháp công tác để thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Trong hoạt động công tố phải bảo đảm đúng pháp luật, đúng người, đúng tội, chú trọng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh, đồng thời cũng bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo.
Hoạt động kiểm sát không chỉ là thực thi pháp luật, mà còn là thực thi công lý với tinh thần nhân văn; pháp luật không chỉ để trừng trị, mà còn để giáo dục, cảm hóa, bảo vệ và khai mở lối đi cho sự hướng thiện.
Mỗi quyết định truy tố, không truy tố, kháng nghị hay kiến nghị… đều liên quan đến số phận của một con người, vì vậy phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng cả lý và tình, bảo đảm công lý được thực thi, người bị xử lý “tâm phục, khẩu phục”, qua đó củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với nền tư pháp.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Viện KSND tối cao
ẢNH: TTXVN
Phòng, chống tiêu cực ngay từ cơ quan bảo vệ pháp luật
Trong kiểm sát hoạt động tư pháp, Tổng Bí thư lưu ý phải bảo đảm mọi hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật; bảo đảm quyền lực tư pháp được kiểm soát chặt chẽ; bảo đảm phòng chống tội phạm, tham nhũng, tiêu cực ngay chính từ các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tăng cường bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại.
Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội thí điểm Viện KSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công. Đây là nhiệm vụ mới mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành kiểm sát, cần đầu tư con người, cơ sở, vật chất để làm tốt.
Tổng Bí thư cũng đề nghị ngành kiểm sát tăng cường áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng các biện pháp phi tố tụng (hoà giải, đối thoại, thương lượng, thỏa thuận nhận tội…) nhằm chống lãng phí, giảm thiểu xung đột xã hội, tiết kiệm nguồn lực con người và vật chất, giảm chi phí tố tụng, chi phí xã hội; tiếp tục đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động tư pháp nói chung, kiểm sát nói riêng.
Phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ giữa viện kiểm sát, tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án phải gắn liền với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, trên cơ sở thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền hạn độc lập của từng cơ quan; phối hợp là để bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.