Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng việc sửa đổi Luật Đấu thầu và các luật liên quan là yêu cầu cấp bách để tháo gỡ những điểm trũng về giải ngân đầu tư công và hợp tác công – tư, tránh lãng phí nguồn lực.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội chiều 17/5, Tổng Bí thư Tô Lâm thẳng thắn chỉ ra thực trạng nhiều năm liền “có tiền mà không tiêu được hết, trong khi đất nước rất cần phát triển, phải đi vay nước ngoài”.
“Vì sao? Vì quy trình đấu thầu quá nhiêu khê. Mấy tháng chuẩn bị, mấy tháng mở thầu, chấm thầu, hết năm rồi, ngân sách không giải ngân được”, ông nói, cho rằng đây là một trong những “tội” nặng nhất của hệ thống luật hiện hành, làm chậm tiến độ, hư hỏng chất lượng công trình, lãng phí cán bộ, mà mục tiêu tiết kiệm và hiệu quả lại không đạt được.
Theo Tổng Bí thư, muốn sửa Luật Đấu thầu thì phải tổng kết xem đấu thầu đã gây ra những gì. Người bệnh không tiếp cận được thuốc tốt, công nghệ y tế hiện đại bị cản trở vì đấu thầu. Máy móc, thuốc men phải mua ngoài, xách tay, tạo điều kiện cho buôn lậu, thuốc giả. Đây là “tội của quy định và tội trong thực thi”.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ về một số dự án luật, chiều 17/5. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Tổng Bí thư cũng đề cập sự thiếu linh hoạt trong đầu tư công và hợp tác công – tư. Đều là tiền nhà nước, tiền địa phương, nhưng hai bên không hợp tác được. Tư nhân muốn góp sức cũng không vào được vì sợ biến tài sản công thành tài sản tư. Thể chế hiện hành chưa tạo điều kiện cho các mô hình hợp tác đa dạng như BOT, BT, dẫn đến tình trạng “chết” chính sách, phải cấm rồi lại cho khôi phục.
“Những công ty xây dựng giỏi không cần đấu thầu vẫn đầy việc, nhưng lại phải cạnh tranh với những hợp tác xã không đủ năng lực. Doanh nghiệp tư nhân bị đối xử ghẻ lạnh, trong khi vốn đầu tư nước ngoài thì không sao cả”, ông nói, nhấn mạnh rằng chính sách phải công bằng để khơi thông nguồn lực khổng lồ trong dân và doanh nghiệp.
Từ thực trạng trên, Tổng Bí thư yêu cầu cải cách thể chế phải đồng bộ, toàn diện, với tư duy mới và quyết tâm thực thi nghiêm minh. Ông đánh giá hệ thống pháp luật hiện nay có quá nhiều điều chồng chéo, mâu thuẫn, sửa điều này lại vướng điều kia. Quốc hội dù làm việc rất tích cực nhưng vẫn chủ yếu mới sửa đổi một số điều, chưa thể giải quyết tổng thể vì luật nọ liên quan đến luật kia, “rất phức tạp”.
“Hệ thống luật pháp như một đội hình chạy mà chưa thẳng hàng, người nọ phải chờ người kia. Nếu chờ cho chỉnh tề mới chạy thì thiên hạ đã đi trước mình rất xa”, ông ví von.
Tổng Bí thư yêu cầu thay đổi tư duy từ pháp luật quản lý sang pháp luật phục vụ và kiến tạo phát triển. Luật pháp không chỉ để kiểm soát mà phải mở đường, khuyến khích sáng tạo, khơi thông sức dân. Pháp luật cũng phải có tính dự báo cao, đi trước một bước, định hướng cho một xã hội tương lai. Việc thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất.
Ông cho biết Trung ương đã và đang khẩn trương xây dựng các nghị quyết lớn như về khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, thể chế, kinh tế tư nhân, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong đó, Nghị quyết 66 là định hướng quan trọng về xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, khả thi, tạo môi trường ổn định cho sản xuất kinh doanh và hội nhập quốc tế, loại bỏ triệt để rào cản do luật chồng chéo.
“Luật pháp không phục vụ một vài nhóm mà phải phục vụ toàn dân. Phải bỏ được cơ chế xin – cho, xóa đặc quyền đặc lợi, phân cấp rõ ràng, ai làm luật gì thì đừng vì quyền lợi của chính mình. Cần phải làm từng bước, lựa chọn trọng tâm, và quan trọng là quyết tâm thực hiện”, nhấn mạnh.
Sơn Hà