“Chúng tôi sẽ tước quyền miễn thuế của Đại học Harvard. Đó là điều họ xứng đáng phải nhận!”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích nhiều trường đại học danh tiếng tại Mỹ, cắt ngân sách tài trợ dành cho các trường, hủy thị thực của một bộ phận sinh viên quốc tế tại Mỹ…

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm việc rất quyết liệt với các trường đại học (Ảnh: CNBC).
Những động thái này được thực hiện trong bối cảnh các cuộc biểu tình của sinh viên tại Mỹ diễn ra khá nhiều trong thời gian qua. Các cuộc biểu tình này nhằm mục đích bày tỏ quan điểm trước những cuộc xung đột chính trị trên thế giới.
Để chỉnh đốn lại cách thức hoạt động cũng như trật tự, kỷ luật trong các trường đại học tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện nhiều động thái quyết liệt với các trường đại học.
Nhiều trường được yêu cầu cải tổ quy chế kỷ luật, xem xét lại chương trình đào tạo, chương trình hỗ trợ sinh viên, đồng thời tuân thủ những yêu cầu mới trong tuyển sinh và tuyển dụng…
Khủng hoảng “kép” của Đại học giàu nhất nước Mỹ
Đại học Harvard là trường đầu tiên công khai phản ứng mạnh mẽ, từ chối thực hiện loạt yêu cầu mới do chính quyền đặt ra đối với nhà trường. Ngay sau đó, trường đã bị đóng băng khoản tài trợ trị giá hơn 2 tỷ USD từ chính quyền liên bang.
Nhà chức trách cũng cảnh báo sẽ đóng băng toàn bộ khoản tiền tài trợ 8,9 tỷ USD dành cho trường, hủy toàn bộ các bản hợp đồng đã ký với trường.

Đại học Harvard là trường đầu tiên công khai từ chối thực hiện loạt yêu cầu mới do Chính phủ Mỹ đặt ra (Ảnh: CNBC).
Sau đó, Đại học Harvard đã đệ đơn kiện Chính phủ Mỹ, nhằm khôi phục khoản tiền tài trợ hơn 2 tỷ USD đã bị chính quyền đóng băng. Đại học Harvard hiện cho rằng các biện pháp mà chính quyền áp dụng với trường là vi phạm Hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận và biểu đạt.
Bên cạnh việc đóng băng tiền tài trợ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn xem xét khả năng tước quyền miễn thuế của Đại học Harvard.
Trước khi ông Trump có bài đăng gây chú ý trên mạng xã hội mới đây, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) được cho là đã chuẩn bị quy trình tước quyền miễn thuế của Đại học Harvard.
Nếu Đại học Harvard chính thức bị tước quyền miễn thuế, nhiều khả năng trường sẽ tiếp tục đệ đơn kiện thứ 2, bên cạnh đơn kiện đã nộp xoay quanh khoản tiền tài trợ bị đóng băng.
Tiền tài trợ và quyền miễn thuế quan trọng với Đại học Harvard thế nào?
Ông Bruce Kimball – giảng viên triết học và lịch sử giáo dục tại Đại học bang Ohio (Mỹ) – cho hay, việc được miễn thuế giúp Đại học Harvard không phải đóng thuế thu nhập từ các hoạt động đầu tư. Đồng thời, các nhà tài trợ của trường cũng được khấu trừ thuế.
Tờ tạp chí tài chính Bloomberg (Mỹ) ước tính lợi ích từ việc được miễn thuế đưa về cho Đại học Harvard khoản lợi nhuận lên tới hơn 465 triệu USD trong năm 2023.

Đại học Harvard đang trải qua khủng hoảng tài chính “kép” khi vừa bị đóng băng tiền tài trợ, vừa có nguy cơ bị mất đặc quyền miễn thuế (Ảnh: CNBC).
Tại Mỹ, các tổ chức có thể bị tước đặc quyền miễn thuế nếu IRS xác định họ tham gia vào các hoạt động thể hiện quan điểm phe phái chính trị cực đoan, hoặc tạo ra quá nhiều thu nhập từ các hoạt động không liên quan đến sứ mệnh chính.
Là trường đại học giàu nhất nước Mỹ, quỹ tài trợ của Đại học Harvard hiện ở mức gần 52 tỷ USD. Quỹ này mang lại mức sinh lời 9,6% cho trường trong năm qua.
Dù có quỹ tài trợ rất lớn, nhưng Đại học Harvard sẽ không thể chi tiêu tùy ý khoản tiền khổng lồ này. Quỹ của trường hiện có khoảng 14.600 quỹ nhỏ, trong đó 80% quỹ bị giới hạn chặt chẽ về mục đích sử dụng.
“Hầu hết số tiền được chi ra đều phải có mục đích cụ thể. Các trường đại học không thể tự ý “đập heo đất” để chi tiêu ngẫu hứng, tùy ý”, cựu Chủ tịch Đại học Pennsylvania (Mỹ) – ông Scott Bok – khẳng định.
Đại học Harvard hiện có 9,6 tỷ USD tiền quỹ không bị ràng buộc về mục đích sử dụng. Số tiền này tương đương gần 20% tổng quỹ. Dù vậy, việc chi dùng khoản quỹ linh động này sẽ gây ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư của trường, trường sẽ có ít vốn hơn để tiến hành các hoạt động đầu tư sinh lợi về lâu dài.