Reuters ngày 18.7 dẫn các nguồn thạo tin cho hay Mỹ có kế hoạch định hướng G20 trở lại trọng tâm tài chính ban đầu, khi tiếp nhận chức chủ tịch luân phiên từ Nam Phi vào tháng 12 tới.

Tổng thống Trump trong lần xuất hiện tại căn cứ không quân Andrews (bang Maryland, Mỹ) mới đây
Ảnh: Reuters
Hai kênh chính
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent không tham dự Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 tại TP.Durban (Nam Phi) từ ngày 17 – 18.7, lần vắng mặt thứ 2 của ông tại các sự kiện của G20 trong năm nay. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết Mỹ vẫn dự định đảm nhận chức chủ tịch G20 và sẽ tập trung vào 2 “kênh” chính là hội nghị thượng đỉnh và kênh tài chính. Theo đó, Mỹ sẽ loại bỏ cuộc họp của các nhóm công tác và cấp bộ trưởng về năng lượng, y tế, thương mại và môi trường.
Chương trình nghị sự tinh giản hơn của G20 sẽ phản ánh chủ trương của Mỹ như lời kêu gọi hồi tháng 4 của ông Bessent về việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) nên tập trung vào sứ mệnh cốt lõi là ổn định tài chính và phát triển, thay vì các vấn đề như tài chính khí hậu và bình đẳng giới.
G20 được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997 – 1998, ban đầu là diễn đàn các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của 19 quốc gia và Liên minh Châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy đối thoại về chính sách kinh tế và tài chính toàn cầu. Sau đó, diễn đàn này mở rộng để bao gồm các nguyên thủ quốc gia trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Ông Josh Lipsky, Chủ tịch chương trình Kinh tế quốc tế tại tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), cho rằng giới chức Mỹ muốn quay lại những điều “căn bản” trong định hướng của G20 và cách tiếp cận này đang được các nền kinh tế thành viên khác ủng hộ. Nhiều thành viên đồng tình rằng phạm vi hoạt động của G20 đã trở nên quá rộng và cần xem xét lại. Mỹ đã rút khỏi vai trò đồng chủ trì một nhóm công tác về tài chính bền vững cùng Trung Quốc. Hiện chưa rõ liệu ông Trump có tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay tại Nam Phi vào tháng 11 tới hay không.
Khó khăn trước mắt
Tại hội nghị ở Durban ngày 17.7, Nam Phi kêu gọi G20 – nhóm chiếm 85% GDP, 75% thương mại và 2/3 dân số toàn cầu – nên thể hiện vai trò lãnh đạo và tinh thần hợp tác để giải quyết các thách thức trên thế giới, trong đó có việc gia tăng các rào cản thương mại. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh năm chủ tịch của Nam Phi (từ 1.12.2024 – 30.11.2025) trùng với thời điểm căng thẳng thương mại toàn cầu, xuất phát từ thuế quan của Mỹ.
Giới quan sát cho rằng với chủ đề “Đoàn kết, Bình đẳng, Bền vững”, Nam Phi đang vất vả theo đuổi những trọng tâm đã đặt ra, bao gồm giảm nợ, tài chính bền vững và cải cách các thể chế tài chính phục vụ phát triển toàn cầu. Với những thông báo liên tiếp được đưa ra từ Nhà Trắng về thuế quan gây xáo trộn thị trường toàn cầu, việc thảo luận các mục tiêu dài hạn của G20 được cho là một thử thách lớn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Enoch Godongwana, các vấn đề tài chính bền vững và mất cân đối thương mại toàn cầu là những vướng mắc chính. “Mỹ có quan điểm riêng về biến đổi khí hậu, tài chính khí hậu và tất cả những vấn đề liên quan, vì vậy, việc đưa những nội dung đó vào các cuộc thảo luận tại G20 là một nhiệm vụ khó khăn”, ông nói. Ngoài ra, ông cho biết phái đoàn Trung Quốc xem các đề cập đến “mất cân đối toàn cầu” là ám chỉ Bắc Kinh, nên đó là một “vấn đề lớn”. Tuy nhiên, giới thạo tin cho biết G20 vẫn đồng thuận về nhiều vấn đề, trong đó có nợ và hạ tầng.
LO NGẠI BẤT ổn kinh tế là “bình thường mới”
Tại hội nghị G20 ngày 17.7, Bộ trưởng Tài chính Canada Francois-Philippe Champagne nhấn mạnh rằng các nền kinh tế thành viên không được để bất ổn kinh tế trở thành trạng thái bình thường mới, dù thế giới đối diện những rào cản thương mại và thuế quan. Ông cho biết bất ổn là một trong những chủ đề được thảo luận nhiều nhất tại hội nghị, và cũng là điều mà các thành viên không nên chấp nhận.
Theo ông Champagne, thế giới đang diễn ra sự tái cân bằng lớn trong thương mại do các rào cản và thuế quan, dẫn đến đa dạng hóa, hình thành các liên minh khác nhau và thậm chí là các tuyến vận chuyển mới. Ông hy vọng G20 có thể khôi phục niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời cho rằng có nhiều mục tiêu mà các quốc gia có thể cùng nhau phối hợp để đạt được.